Vietstock - Bloomberg: Bắc Giang “phất lên” nhờ chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu dịch chuyển
Hãng tin Bloomberg vừa có một bài viết nói về bộ mặt mới của Bắc Giang khi tỉnh này trở thành nơi đặt nhà máy của những hãng công nghệ lớn.
Công nhân tới nhà máy ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang - Ảnh: Bloomberg.
|
Cách đây chưa lâu, Bắc Giang còn là một tỉnh nghèo của Việt Nam, chủ yếu sản xuất gạo, quả vải và gà. Đó là câu chuyện trước khi chuỗi cung ứng của ngành công nghệ toàn cầu bắt đầu dịch chuyển, bài viết mở đầu.
Giờ đây, lãnh đạo Bắc Giang thường xuyên tiếp khách là đại diện của những công ty công nghệ lớn như Apple (NASDAQ:AAPL) hay Hon Hai Precision. Vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi hàng năm, ngay cả trong đại dịch Covid-19, và tỉnh dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm nay, tăng gấp 10 lần so với cách đây 6 năm. Người dân của tỉnh đổi những chiếc xe máy cũ sang những chiếc xe mới cóng, một số thậm chí lái xe SUV Toyota hay sedan Mercedes trên những con đường mới rải nhựa.
"Cuộc sống bây giờ rất tốt, là nhờ có các nhà máy", ông Nguyễn Văn Lành, 64 tuổi, nói với Bloomberg. Trước kia không mua nổi thịt cho bữa cơm, gia đình ông Lanh giờ đây khấm khá nhờ cho công nhân thuê phòng trọ. Tiền xây nhà trọ cho thuê cũng là tiền tiết kiệm từ lương đi làm cho nhà máy. Một người họ hàng của ông Lanh làm nghề cho công nhân vay tiền thậm chí đã tậu được xe Mercedes.
Phát triển kinh tế mạnh mẽ ở Bắc Giang phản ánh rõ nét thay đổi ngoại mục mà chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mang lại cho những khu vực trước kia tụt hậu. Khả năng của Việt Nam trong việc thu hút những ngành sản xuất tinh vi hơn đang được đẩy cao, trong bối cảnh chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, thương chiến Mỹ-Trung, và những trở ngại về hậu cần trong đại dịch Covid-19. Đó một phần là nhờ Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch, Bloomberg nhận xét.
Một khách sạn mới đang được xây ở Việt Yên - Ảnh: Bloomberg.
|
Thống kê chính thức cho thấy, vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Giang mới chỉ đạt 650 USD/năm, bằng một nửa mức trung bình toàn quốc. Hiện nay, tỉnh đang ở trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đầu tiên, với thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3.000 USD trong năm 2020.
Các công ty sản xuất đang gõ cửa các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và cam kết đầu tư hàng tỷ USD để mở nhà máy. Trong số này có hãng điện tử Hàn Quốc Samsung - công ty với khoảng một nửa sản lượng smartphone được sản xuất từ khu vực này.
Petragon, một đối tác lắp ráp của hãng công nghệ Mỹ Apple, có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Hải Phòng, nối gót một số nhà cung cấp khác của "táo khuyết" chuyển sản xuất tới Việt Nam. Apple gần đây đã đăng tuyển nhân sự ở Việt Nam, bao gồm một kỹ sư chất lượng, nhà quản trị chuỗi cung ứng, và nhân viên quan hệ với cơ quan quản lý.
Trong khi một số ngành khác gặp khó khăn vì đại dịch, vốn đầu tư từ các công ty sản xuất hàng điện tử tiếp tục đổ vào Việt Nam, Bloomberg nhấn mạnh.
Chi phí thấp, ổn định chính trị, các chính sách thân thiện với nhà đầu tư, hạ tầng ngày càng tốt lên, và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nhằm phát triển các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam - theo chuyên gia về chuỗi cung ứng Gene Tyndall của công ty tư vấn eMATE Consulting có trụ sở ở Atlanta, Mỹ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Bắc Giang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng của cả nước đạt 2,12%.
"Chúng tôi đang dựa vào sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Nguyễn Đại Lượng, Phó chủ tịch huyện Việt Yên, Bắc Giang, nói với Bloomberg. Việt Yên là nơi có 4 trong số 5 khu công nghiệp đang hoạt động của Bắc Giang.
Tốc độ dịch chuyển tới Bắc Giang của các công ty sản xuất tăng vọt từ năm 2016. Trong vòng 4 năm, đã có 3,8 tỷ USD rót vào tỉnh này, tăng gấp 4 lần so với trong khoảng thời gian 4 năm trước đó.
Công nhân một nhà máy ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên - Ảnh: Bloomberg.
|
Ông Lượng cho biết, Bắc Giang đang xây một cảng đường thủy nội địa để phục vụ cho việc vận chuyển linh kiện, và theo đề nghị của Apple, tỉnh đã cấp đất để xây nhà ở cho công nhân gần khu nhà máy rộng 16 hectare của Luxshare Precisioon - nhà sản xuất tai nghe AirPod lớn nhất thế giới.
Tỷ lệ người lao động có việc làm của Bắc Giang hiện đạt gần 100%. Lao động ở các tỉnh lân cận cũng đổ tới Bắc Giang để tìm việc làm tại các nhà máy như Luxshare. Trong 4 tháng cuối năm nay, công ty Trung Quốc này dự kiến sẽ tuyển 20.000 công nhân, nâng tổng số công nhân tại nhà máy ở Việt Yên lên 47.000 - theo ông Lượng. Tại các nơi khác trong tỉnh, Luxshare sử dụng 12.000 lao động nữa.
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp hàng điện tử có thể đạt mức thu nhập sau thuế khoảng 5.500 USD/năm, bao gồm tiền làm thêm giờ và tiền thưởng, cao hơn mức lương bình quân của lao động toàn quốc là dưới 3.000 USD/năm - ông Lượng cho biết.
Nguyễn Thị Hà, 22 tuổi, từng làm phụ hồ giờ đã trở thành công nhân nhà máy lắp ráp hàng điện tử với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Trước đây, tôi đi làm mưa nắng mà chỉ kiếm được khoảng một nửa so với thu nhập hiện nay", Hà nói.
Những nhà hàng như Lão Chư Quán rất đông khách là công nhân tới ăn nhậu. "Họ chi tiêu thoải mái. Cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi tuyệt vời", Nguyễn Thị Ly, 26 tuổi, quản lý nhà hàng này, cho biết. Gia đình Ly giờ đây có ô tô Mazda và 5 chiếc xe máy mới. Trước khi có các nhà máy ở vùng này, gia đình cô gần như không có gì, cô kể.
Một khu phố với nhiều quán ăn phục vụ công nhân ở Việt Yên - Ảnh: Bloomberg.
|
Thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là đảm bảo rằng giáo dục cần được cải thiện để đất nước không bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" một khi các nhà máy rời đi, bởi kiểu gì cũng đến lúc chi phí tăng lên và nền kinh tế đòi hỏi phát triển theo hướng kỹ năng cao - Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế học về phát triển Scott Rozelle thuộc Đại học Stanford.
Giáo dục chất lượng cao cho thế hệ tương lai chính là giấc mơ của người dân Bắc Giang như ông Lành, người chủ nhà trọ ở đầu câu chuyện này. Khi bé, ông Lành thường chèo thuyền thúng đi gặt lúa giữa những cánh đồng ngập nước mà giờ đây trở thành nơi xây nhà máy.
"Thời đó, chúng tôi kiếm cơm ăn áo mặc cũng khó", ông Lành kể về thời thơ ấu. Bế cô cháu gái 3 tháng tuổi trong tay, ông nói thêm: "Con bé sẽ được ăn ngon mặc đẹp. Chúng tôi sẽ cho nó học đại học để có nhiều cơ hội hơn ông bà, cha mẹ".
An Huy