Dù Tung Huê đã có khoản nợ vay thứ nhất với tiền lãi quá hạn nhưng BIDV (HM:BID) vẫn giải ngân khoản cho vay thứ 2 theo hợp đồng hạn mức. Tung Huê không trả được nợ và theo tòa án thì BIDV có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp là 2 quyền sử dụng đất để thu hồi nợ. Tòa án Nhân dân huyện Hóc Môn-TP.HCM vừa công bố bản án sơ thẩm liên quan vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bị đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Dịch vụ Tung Huê (Tung Huê).
Theo nội dung bản án, ngày 20/11/2020, BIDV và Tung Huê có ký hợp đồng tín dụng hạn mức có kèm bản Điều khoản và Điều kiện cấp tín dụng. Theo đó, Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng thường xuyên với số tiền tối đa là: 25 tỷ đồng. Mục đích cấp tín dụng là để Tung Huê bổ sung vốn lưu động, phát hành L/C và bảo lãnh các loại (sau đây gọi là hợp đồng tín dụng). Hai bên sẽ ký hợp đồng tín dụng cụ thể đối với từng khoản vay.
Theo Hợp đồng tín dụng số 02 ngày 08/12/2020, BIDV đã giải ngân cho Tung Huê số tiền hơn 3 tỷ đồng, thời hạn vay 06 tháng, lãi suất 7%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, lãi chậm trả đối với tiền lãi chậm trả là 10%/năm, trả tiền lãi vào ngày 25 hàng tháng, trả nợ gốc cuối kỳ để thanh toán tiền mua hàng cho Công ty TNHH dầu khí Hyundai Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán và khoản vay đã chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày 09/6/2021, số tiền gốc còn nợ là 2,97 tỷ đồng, tiền lãi trong hạn 8,9 triệu đồng, tiền lãi quá hạn là 407 triệu đồng.
Theo Hợp đồng tín dụng số 03 ngày 18/06/2021, BIDV đã giải ngân cho Công ty số tiền 3,2 tỷ đồng, thời hạn vay 06 tháng, lãi suất 7%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, lãi chậm trả đối với tiền lãi chậm trả là 10%/năm, trả tiền lãi vào ngày 25 hàng tháng, trả nợ gốc cuối kỳ để thanh toán tiền mua hàng cho Công ty TNHH dầu khí Hyundai Việt Nam. Sau khi nhận tiền vay, công ty không trả nợ gốc, không trả tiền lãi và khoản vay đã chuyển sang nợ quá hạn kể từ ngày 18/10/2021, số tiền gốc còn nợ là 3,2 tỷ đồng, tiền lãi trong hạn là 74,8 triệu đồng, tiền lãi quá hạn là 318 triệu đồng.
Tài sản để đảm bảo cho khoản vay trên là: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 607, 608 tại huyện Hóc Môn, Tp.HCM do ông T. bà H. đứng tên.
Các khoản vay đã quá thời hạn nhưng Tung Huê không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mặc dù đã được Ngân hàng đã đôn đốc, tạo mọi điều kiện. Vì vậy, BIDV khởi kiện yêu cầu buộc Tung Huê phải thanh toán ngay tổng số tiền còn nợ là 6,98 tỷ đồng, gồm nợ gốc là 6,17 tỷ đồng, tiền lãi tính đến ngày 29/9/2022 là 810 triệu đồng; tiếp tục thanh toán tiền lãi và các chi phí phát sinh theo các hợp đồng đã ký kể từ ngày 30/9/2022 đến khi thanh toán xong tất cả các khoản nợ. Trường hợp Tung Huê không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng yêu cầu phát mại các tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Công ty Tung Huê thống nhất đồng ý với lời khai của BIDV là đúng và xác nhận công nợ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, công ty gặp khó khăn và mất khả năng thanh toán nên các khoản nợ đã bị chuyển sang nợ quá hạn từ năm 2021. Công ty cũng đồng ý việc cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản là 2 thửa đất nêu trên để thanh toán các khoản nợ.
Ông T. và bà H. là 2 người đứng tên trên 2 tài sản đảm bảo kể trên cũng xác nhận đã dùng 2 mảnh đất nêu trên để thế chấp cho khoản vay của Tung Huê và đồng ý việc trong trường hợp không trả được nợ thì cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản. Tuy nhiên, 1 trong 2 tài sản đảm bảo đã được ông T. và bà H. ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà ngày 20/1/2022 với người khác với giá 3,8 tỷ đồng và đã nhận tiền cọc tổng cộng 334 triệu đồng, giao cho người mua quản lý sử dụng. Hai bên chưa thực hiện xong thủ tục chuyển nhượng do ông T. bà H. chưa có điều kiện giải chấp các khoản vay với Ngân hàng. Người mua không có ý kiến gì về tranh chấp và sẽ tranh chấp với người bán trong vụ án khác.
Căn cứ sự việc, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BIDV. Trường hợp Tung Huê không trả được nợ, BIDV có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp là 2 quyền sử dụng đất để thu hồi nợ.