Investing.com -- Kinh tế quý III tăng trưởng 7,4%, cao thứ hai trong 5 năm qua, theo Tổng cục Thống kê.
Tại họp báo sáng 6.10, Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý III ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ba quý đầu năm, GDP tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022.
Khu vực công nghiệp và xây dựng - dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế.
Trong đó, dịch vụ là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, gần 48,4%. Theo Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,95% so với năm trước.
Công nghiệp và xây dựng cũng tăng cao so với cùng kỳ 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 8,34%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%.
Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực này trong 9 tháng tăng 3,2%, thấp nhất 4 năm. Mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020.
Về lạm phát, CPI bình quân quý III tăng 3,48% so với năm ngoái. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng tăng 15,68% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,8 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7%. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thấp hơn so với số doanh nghiệp gia nhập.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cũng cho thấy số doanh nghiệp lạc quan giảm xuống còn 34,7%. Số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh tốt hơn trong quý IV dự kiến tăng lên 42,2%.