Vietstock - Ba tháng, đồng bằng sông Cửu Long có gần 4.600 doanh nghiệp gia nhập thị trường
Quý I năm nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 4.577 doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng cũng có 3.732 DN rút khỏi thị trường; kim ngạch xuất khẩu tăng và kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa công bố số liệu cho thấy, trong quý I/2022, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 4.577 doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường (bao gồm DN thành lập mới và DN quay lại hoạt động).
Trong đó, số DN thành lập mới là 3.086 DN, với tổng số vốn đăng ký 54.928 tỷ đồng, số lao động tăng thêm là 27.944 người; số DN quay lại hoạt động là 1.491 DN.
Cũng trong thời gian này, toàn vùng ĐBSCL có 3.732 DN rút khỏi thị trường. Trong đó, có 1.777 DN tạm ngừng kinh doanh, 1.456 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và 499 DN đã giải thể.
Địa phương có số lượng DN thành lập mới nhiều nhất vùng trong quý I là TP Cần Thơ với 500 DN, tiếp đến là Kiên Giang (463 DN), Long An (437 DN), Tiền Giang (258 DN), An Giang (237 DN)…
Tính theo số vốn đăng ký mới của DN, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu với 33.471 tỷ đồng, tiếp đến là Long An (6.656 tỷ đồng), Cần Thơ (2.578 tỷ đồng), Đồng Tháp (1.810 tỷ đồng), An Giang (1.759 tỷ đồng)...
Về số lao động tăng thêm, Long An là tỉnh có số lao động tăng thêm nhiều nhất với 6.398 lao động, kế đến là Tiền Giang (4.227), Đồng Tháp (2.810), Cần Thơ (2.726), Trà Vinh (2.526)…
Vùng ĐBSCL có 4.577 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong quý I/2022. Ảnh: CK |
Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu vùng ĐBSCL đạt 5,05 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,31 tỷ USD, giảm 21%.
Long An là tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu với 1,47 tỷ USD, kế đến là Tiền Giang 837 triệu USD, Cà Mau 373 triệu USD, Cần Thơ 368 triệu USD, Đồng Tháp 347 triệu USD, Bến Tre 344 triệu USD…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng GRDP, quý I/2022, vùng ĐBSCL có 12/13 tỉnh/thành đạt tăng trưởng dương. Tỉnh duy nhất trong vùng tăng trưởng âm là Trà Vinh (-5,25%), đây cũng là 1 trong 2 tỉnh trên cả nước tăng trưởng âm trong quý I, tỉnh còn lại là Hà Tĩnh (-3,15%). Tỉnh đạt tăng trưởng cao nhất vùng ĐBSCL trong quý I/2022 là Bạc Liêu với mức tăng 5,86%; kế đến là Cần Thơ 5,75%; Cà Mau 5,28%; Hậu Giang 4,69%; Vĩnh Long 4,68%... Ở phạm vi cả nước, Bắc Giang dẫn đầu khi đạt mức tăng trưởng 14,33%; thứ hai là Hải Dương (14,18%) và thứ ba là Thanh Hóa (12,93%). Ngoài ra, có 3 địa phương khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 10% gồm Quảng Nam (11,24%), Kon Tum (10,54%) và Hải Phòng (10,04%)... |
Cảnh Kỳ