Vietstock - ADB nêu lý do kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến
Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á Cập nhật 2022 công bố hôm nay 21-9 giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,5% trong năm 2022.
Tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam sáng 21-9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu: "Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ."
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng mạnh. Điểm khác với những nền kinh tế khác là ngoài những động lực truyền thống như về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh. So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam. "Đây chính là lý do xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên"- ông Cường nêu rõ.
Dich vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm 2022 - Ảnh minh họa: Du khách tham quan Hội An (Ảnh: Trần Thường) |
Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) Cập nhật 2022 công bố hôm nay 21-9 giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Bản cập nhật của báo cáo kinh tế hàng đầu của ADB nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay, tuy nhiên chi phí đầu vào cao vẫn sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp.
Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7 từ mức 54,0 của tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.
Di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.
Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh Châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4,0% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á vào tháng 4-2022.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.
Báo cáo nhận định việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.
Dương Ngọc