Vietstock - Đà tăng giá của tiền đồng có thể chững lại?
Trong bối cảnh đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào, tiền đồng đang trong xu hướng tăng giá so với USD từ đầu quý 2 đến nay. Liệu xu thế này có thay đổi trong những tháng còn lại của năm nay, khi quá khứ cho thấy đồng USD thường có xu hướng lên giá vào cuối năm?
Đà tăng giá của tiền đồng
Cặp tỷ giá trung tâm USD/VNĐ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết mở đầu tuần này (12/10) tại 23,193, tiếp tục giảm 5 đồng so với phiên trước, đánh dấu phiên thứ 6 đi xuống liên tiếp. Tính từ đầu tuần trước (05/10) cho đến đầu tuần này, tỷ giá trung tâm đã giảm đến 21 đồng, theo đó thu hẹp mức tăng so với đầu năm chỉ còn 38 đồng, tương ứng 0.16%, cách rất xa so với mục tiêu điều chỉnh tăng 2% đặt ra hàng năm.
Tiền đồng đã bắt đầu có dấu hiệu lên giá so với USD tại thị trường trong nước kể từ cuối quý 2 đến nay. Cụ thể sau 5 tháng đầu năm liên tiếp đi lên với mức tăng 106 đồng, trong tháng 6, cặp tỷ giá trung tâm USD/VNĐ đã giảm trở lại 32 đồng, tiếp đến tháng 7 giảm 16 đồng, tháng 8 giảm 13 đồng, trước khi tăng nhẹ trở lại 15 đồng trong tháng 9, tuy nhiên bước sang tháng 10 đà giảm lại tiếp tục. Như vậy tính từ đầu tháng 6 đến nay, cặp tỷ giá này đã giảm ròng 67 đồng.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra trên thị trường giao dịch của các ngân hàng và thị trường tự do. Giá mua bán USD tại các ngân hàng cũng đã giảm xấp xỉ 100 đồng so với thời điểm cuối tháng 5, trong khi trên thị trường tự do mức giảm lớn hơn ở 120-130 đồng. Trong những ngày gần đây, giá mua bán trên thị trường tự do tiếp tục xu hướng đi xuống và hiện đang ghi nhận giảm 60-70 đồng so với đầu năm nay.
Sự tăng giá của tiền đồng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi đà suy giảm trở lại của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chỉ số USD Index sau khi tìm thấy đáy tại vùng 92 điểm đã bật trở lại trong tháng 9, tuy nhiên đã không thể chinh phục mốc 95 điểm và giảm trở lại từ cuối tháng 9 đến nay, hiện đã rớt về vùng 93 điểm và giới phân tích cho rằng xu hướng đi xuống của đồng USD sẽ còn tiếp tục trước chính sách bơm tiền ồ ạt của Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ trong nước tiếp tục dồi dào càng thúc đẩy đà tăng giá của tiền đồng. Xuất siêu 9 tháng tiếp tục chạm mức kỷ lục mới gần 18 tỷ USD, riêng tháng 9 là 3.5 tỷ USD tiếp nối mức cao 5 tỷ USD của tháng 8. Như vậy, chỉ tính riêng 2 tháng vừa qua đã xuất siêu đến 8.5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng mức xuất siêu của cả 9 tháng.
Song song đó, vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục ổn định và cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid 19 khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu co lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 9 tháng qua của Việt Nam vẫn đạt mức cao 13.8 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 3.2% so cùng kỳ.
Ngoài ra còn có 5,172 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5.7 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa, vốn FDI giải ngân và vốn đầu tư gián tiếp đã lên tới hơn 37 tỷ USD, chưa tính đến lượng kiều hối và các dòng vốn đầu tư khác như ODA.
Điều quan trọng hơn là trước nguy cơ về những cáo buộc thao túng tiền tệ từ phía Mỹ, khi cho rằng việc thu mua 22 tỷ USD ngoại tệ trong năm ngoái đã đẩy giá trị thực của VNĐ xuống khoảng 3.5-4.8%, có thể đã góp phần khiến tiền đồng phải đi theo xu hướng tăng giá trong thời gian qua, cũng như trong giai đoạn tới.
Có thể chững lại?
Dù vậy, vẫn có kỳ vọng sức ép tăng giá của tiền đồng có thể giảm bớt nếu đồng USD trên thị trường quốc tế hồi phục trở lại, khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ với những rủi ro khó lường ngày càng tới gần có thể thúc đẩy giới đầu tư lại “chạy” vào USD như một tài sản trú ẩn một lần nữa. Giới phân tích cũng cho rằng trong trường hợp ông Biden đắc cử, người cũng đang có tỷ lệ ủng hộ cao hơn Tổng thống đương nhiệm Donal Trump trong các cuộc khảo sát gần đây, đồng USD có thể tìm lại sức mạnh khi tổng thống Trump luôn là người chỉ trích một đồng USD mạnh và đã có nhiều quyết sách khiến đồng USD suy yếu trong thời gian qua.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu thường tăng mạnh trong quý 4 cuối năm khiến cầu USD trong nước tăng trở lại cũng có thể giảm bớt sức ép lên nguy cơ tăng giá của tiền đồng. Nếu tình hình dịch bệnh của các đối tác thương mại lớn tiếp tục được kiểm soát tốt, chuỗi cung ứng được nối trở lại cũng sẽ khiến hoạt động nhập khẩu phục hồi. Thống kê cho thấy kim ngạch nhập khẩu cũng đang dần đi lên trở lại, với kim ngạch bình quân trong quý 3 là gần 23 tỷ USD/tháng, cao hơn 15% so với quý 2 và 22% so với quý 1.
Cũng cần lưu ý cuối năm là thời điểm các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước, nên cũng làm tăng cầu USD. Với số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lợi nhuận mà các doanh nghiệp này chuyển về hàng năm ngày càng lớn.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán ròng không dứt. Dòng vốn này được kỳ vọng vẫn nằm lại và chờ đợi cơ hội tốt hơn để đầu tư, tuy nhiên nếu bị rút đi tất yếu cũng sẽ gây áp lực làm tăng nhu cầu ngoại tệ do nhu cầu chuyển đổi sang ngoại tệ của các nhà đầu tư này, khi đó cũng sẽ giảm bớt sức ép tăng giá cho tiền đồng.
Cuối cùng, việc NHNN thời gian qua đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ và có kế hoạch tăng dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD trước cuối năm, cũng sẽ làm nguồn cung USD trên thị trường sụt giảm, đồng thời một lượng lớn tiền đồng được bơm ra, do đó có thể giúp tỷ giá không giảm quá sâu.
Cập nhật mới nhất cho thấy trong hơn 1 tháng qua, NHNN đã mua vào ngoại tệ khiến dự trữ ngoại hối tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, từ đó giúp nâng mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên con số kỷ lục 93 tỷ USD. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.
Cũng cần lưu ý cuối năm là thời điểm các tập đoàn đa quốc gia, công ty nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước, nên cũng làm tăng cầu USD. Với số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lợi nhuận mà các doanh nghiệp này chuyển về hàng năm ngày càng lớn. |
Phan Thụy