Vietstock - 107 doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ đề nghị phương án xử lý dứt điểm
Trước thực trạng có 107/818 doanh nghiệp có vốn Nhà nước kinh doanh bị lỗ (chiếm 13%) năm 2019, Chính phủ đề nghị có phương án xử lý dứt điểm với từng dự án.
Nhà máy Đạm Ninh Bình phải đắp chiếu vì càng sản xuất càng lỗ từ tháng 3/2016 đến nay. Ảnh: Minh Đức
|
Trong báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN năm 2019, Chính phủ cho biết tính đến hết năm tài chính 2019, có 818 DN có vốn Nhà nước. Trong đó, có 491 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN); 327 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 818 DN là 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2018. Tổng tài sản của các DN có vốn Nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018.
Có 107/818 DN có kết quả kinh doanh bị lỗ (chiếm 13% tổng số DN có vốn Nhà nước).
Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước của các DN có vốn Nhà nước là 396.356 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2018.
Xét về tình hình sản xuất kinh doanh của các DNNN, theo báo cáo của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ - con, tổng doanh thu đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018. Báo cáo của công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 960.434 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2018.
Một số tập đoàn có doanh thu lớn gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (399.508 tỷ đồng), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (397.051 tỷ đồng), Tập đoàn Viễn thông quân đội (145.265 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (116.373 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (55.656 tỷ đồng).
“DNNN vẫn có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhóm này chậm hơn DN ngoài Nhà nước và DN FDI. Do đó, kết quả kinh doanh đã có tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực nguồn vốn Nhà nước đang đầu tư tại các các DN này”, báo cáo đánh giá.
Báo cáo hợp nhất có 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 7.448 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.819 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ 3.003 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 2.785 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 819,6 tỷ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 718,6 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn lỗ 44,8 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội lỗ 40,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty Thái Sơn lỗ 25,5 tỷ đồng; Tổng công ty 319 lỗ 4,7 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ 2,4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đầu tư và PTNN Hà Nội lỗ 2,2 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV ITAXA lỗ 654 triệu đồng; TCT Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng lỗ 648 triệu đồng.
Trước thực trạng trên, Chính phủ cho rằng cần đánh giá khả năng phục hồi hoặc phương án xử lý dứt điểm với từng dự án thua lỗ, kém hiệu quả; tách riêng việc phục hồi sản xuất hoặc phá sản, thanh lý tài sản của dự án với việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
“Những dự án không có khả năng phục hồi thì kiên quyết thực hiện phá sản, bán thanh lý tài sản của dự án theo quy định. Xác định giá trị thiệt hại do các cá nhân, tổ chức liên quan gây ra, trong đó tính đến giá trị thu hồi từ tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại đền bù, từ cơ quan bảo hiểm bồi thường và từ bán thanh lý tài sản của dự án. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật”, Chính phủ đề nghị.
Tuấn Nguyễn