Vietstock -
Vietstock - Các chính sách thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa đã phát huy tác dụng
Trong bối cảnh thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19, các chính sách của ngành công thương về thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa đã và đang phát huy tác dụng, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển trong quý cuối năm 2021 và thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Ông Vũ Tiến Lộc: Các chính sách của ngành công thương về thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa đã và đang phát huy tác dụng, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh VGP |
Thưa ông, bức tranh thị trường hàng hóa trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách không nhiều điểm sáng, đặc biệt, có thời điểm xảy ra tình trạng chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều người dân tại các tỉnh, thành phố phía nam khó mua hàng hóa thiết yếu. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá ra sao về hiệu quả của các giải pháp kết nối cung cầu, phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng được triển khai suốt thời gian qua?
Vừa qua, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, có tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó cụ thể là Bộ Công Thương đã rất sáng tạo trong việc đưa ra những giải pháp, phối hợp uyển chuyển với các địa phương để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ. Ví dụ điển hình là từ chỗ phân phối lúng túng, người dân nhiều vùng có dịch khó khăn trong tiếp cận hàng hóa trong giai đoạn đầu giãn cách (tháng 7) thì sau đó, nhờ sự vào cuộc của Bộ Công Thương, sự phối hợp của doanh nghiệp, việc phân phối hàng hóa thiết yếu tới những vùng có dịch đã thông suốt.
Đối với hoạt động xuất khẩu, ngay trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát với không ít khó khăn, đã có rất nhiều các sáng kiến được triển khai để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… ra thị trường thế giới, thậm chí là lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới. Tôi mong là giải pháp kết nối cung, tiêu thụ nông sản sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới để có thể tiếp tục thúc đẩy không phải chỉ một vài mặt hàng cụ thể mà rất nhiều loại nông sản của chúng ta ra nước ngoài.
Bên cạnh việc người dân khó tiếp cận nguồn cung hàng hóa, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, lưu thông. Vậy những biện pháp như đề xuất quy định về lưu thông và vận chuyển hàng hóa thiết yếu; ưu tiên cho người lao động được tiêm vaccine; kiến nghị các chính sách gỡ ách tắc tại các khu vực cảng biển hay đề xuất cho doanh nghiệp sản xuất được chủ động chịu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch tại doanh nghiệp mình… đã góp phần ra sao trong việc gỡ khó cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?
Phải khẳng định rằng những ngành như phân phối bán lẻ, vận tải và logistics, xuất khẩu nông sản… chính là những huyết mạch của nền kinh tế, cho nên gỡ được những ách tắc thông qua việc bao phủ tiêm chủng vaccine, tạo điều kiện cho người lao động và các phương tiện trong lĩnh vực đó có thể di chuyển là những yếu tố then chốt để bảo đảm cho nền kinh tế có thể hoạt động được trong bối cảnh khó khăn.
Tôi rất ấn tượng khi Bộ Công Thương đã có sự can thiệp và một quan điểm dứt khoát rằng không chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông mà tất cả những hàng hóa không phải hàng cấm cần phải được lưu thông. Bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang không tiêu thụ được hàng hóa hoặc đứt đoạn nguồn cung ứng đầu vào thì mọi nỗ lực để có thể kết nối lại các chuỗi cung ứng đều góp phần vào tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng GDP và tạo ra nguồn thu ngân sách. Do đó, các quyết định, kiến nghị của Bộ Công Thương, sự can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương trong việc kiến nghị Chính phủ xóa bỏ những cái gọi là chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông là một quyết định sáng suốt, rất dũng cảm và đầy trách nhiệm.
Chính nhờ những nỗ lực này mà chúng ta đã xoay chuyển cán cân thương mại nghiêng về hướng xuất siêu ngay trong tháng 9. Đây là điểm sáng khá hiếm hoi trong bối cảnh cả quý III vừa qua, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đang gặp khó khăn, khiến GDP giảm tới 6,17%. Chắc chắn rằng với những nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, ngành công thương đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và tôi hy vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là thành tích xuất siêu sẽ tiếp tục được duy trì. Điều đó rất quan trọng đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý IV/2021.
Với việc GDP giảm tương đối sâu trong quý III, việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm như kế hoạch đã đề ra là không dễ, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực của ngành công thương như sản xuất công nghiệp, thương mại, thị trường trong nước… đều phải nỗ lực để đạt mức tăng trưởng cao. Theo ông, cần những giải pháp gì để các lĩnh vực kể trên đạt được mục tiêu này?
Một yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong việc mở cửa thị trường, thích ứng an toàn với dịch bệnh là phải bảo đảm lưu thông hàng hóa, vì đó là huyết mạch của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ trong quá trình này.
Bên cạnh đó, thời gian tới, các FTA cũng như nguồn đầu tư nước ngoài đều là những động lực tăng trưởng rất quan trọng. Cho nên, bên cạnh việc thúc đẩy cho thị trường trong nước tái khởi động trở lại, cần tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu thông qua các FTA, tìm kiếm những cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đặc biệt thông qua thương mại điện tử.
Vừa rồi, trong bối cảnh chúng ta thực hiện những biện pháp giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì đã có đến 20% các nhãn hàng đã chuyển các hợp đồng của mình sang các nước khác, đặc biệt là hàng hóa cho dịp Noel và đầu năm mới. Nhưng bây giờ, khi chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch và mở cửa trở lại thì cần hỗ trợ, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp để làm thế nào lấy lại được các đơn hàng cho vụ Xuân Hè và Thu Đông của năm tới. Bởi dù các đơn hàng chuyển đi nhưng chi phí để thực hiện các đơn hàng đó ở những nền kinh tế khác sẽ đắt đỏ và nếu chúng ta tranh thủ thiết lập lại chuỗi cung ứng, thiết lập lại quan hệ đối với các thị trường thì sẽ có khả năng lấy lại được các đơn hàng cho năm tới, góp phần vào tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp của chúng ta phải làm sao thoát khỏi việc tỷ lệ gia công quá lớn, phải nâng cấp lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu để cải thiện đời sống và giữ chân người lao động. Đồng thời, chính sách phát triển công nghiệp hiện đang có điểm bất hợp lý là hình thành những đại công trường, chủ yếu là lắp ráp, tập trung xung quanh các thành phố lớn. Mà các thành phố lớn thì đang quá tải và sẽ đầy rủi ro nếu xảy ra tình trạng thiên tai, dịch bệnh, khiến sản xuất ngưng trệ, toàn bộ dây chuyền không thể hoạt động được. Trong khi đó, nếu chúng ta phân tán sản xuất thì khi chỗ này phải ngừng sản xuất thì chỗ khác có thể tiếp tục. Chính vì vậy, cần giải được bài toán phân bổ không gian khu công nghiệp trong chiến lược phát triển công nghiệp thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!