Vietstock - VIS Rating: Bộ đệm rủi ro ngân hàng vẫn ở mức yếu
Báo cáo về ngành ngân hàng do VIS Rating công bố ngày 20/11/2024 nhận định gần 20% ngân hàng trong đánh giá có hồ sơ an toàn vốn yếu. Song song đó, rủi ro thanh khoản đối với ngân hàng nhỏ và vừa gia tăng, do dùng nhiều nguồn vốn thị trường ngắn hạn và lãi suất liên ngân hàng tăng.
Rủi ro tài sản được kiểm soát nhờ quy mô cho vay hạn chế với khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, các ngân hàng nhỏ chịu tác động lớn nhất từ áp lực biên lãi ròng và chi phí tín dụng. Rủi ro tài sản của các ngân hàng duy trì ổn định trong 9 tháng đầu năm 2024 (9T2024), với tác động hạn chế từ bão Yagi, đặc biệt đối với các ngân hàng quốc doanh (SOB) và các ngân hàng lớn. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành giảm nhẹ xuống 1.5% trong 9T2024 so với 1.6% trong 6 tháng 2024, với các ngân hàng nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng cao hơn. Rủi ro thanh khoản của các ngân hàng nhỏ và vừa gia tăng, do sử dụng nhiều nguồn vốn thị trường ngắn hạn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh gần đây. Đến cuối năm 2024, VIS Rating kỳ vọng việc cải thiện tăng trưởng cho vay mua nhà lợi tức cao và nợ quá hạn phát sinh mới chậm lại sẽ góp phần ổn định lợi nhuận và chất lượng tài sản cho các ngân hàng.
Nợ quá hạn mới phát sinh phân hóa theo quy mô
Phần lớn các ngân hàng ít chịu tổn thất liên quan đến bão nhờ quy mô cho vay hạn chế ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng.
Tổng dư nợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão chiếm khoảng 1% tổng dư nợ toàn ngành, chủ yếu thuộc về các ngân hàng quốc doanh có hoạt động tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) như tái cơ cấu nợ và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các khách hàng vay bị ảnh hưởng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng trả nợ cho khách hàng. Tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành nhìn chung duy trì ổn định so với quý trước ở mức 2.4%.
Các ngân hàng lớn, bao gồm ngân hàng quốc doanh, ghi nhận tốc độ các khoản nợ quá hạn phát sinh mới chậm lại, nhờ sự cải thiện của khoản nợ xấu lớn (CTG (HM:CTG)) cũng như siết chặt tiêu chuẩn cấp tín dụng, đặc biệt với các khoản vay tiêu dùng mới (VPB (HM:VPB)).
Mặt khác, các khoản nợ quá hạn vẫn tiếp tục tăng tại các ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) (PGB, SGB, VIB (HM:VIB), OCB, LPB (HM:LPB)). VIS Rating đánh giá khoảng 30% ngân hàng có hồ sơ rủi ro tài sản ở mức yếu, tăng từ mức 22% năm 2023. Trong cả năm 2024, tổ chức này kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ ổn định ở mức 2.3-2.4% khi các ngân hàng hoàn tất việc xóa nợ trong quý 4.
NIM thu hẹp
Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành chậm lại do NIM thu hẹp và các ngân hàng nhỏ chịu thêm ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao.
Phần lớn các ngân hàng ghi nhận ROAA và NIM giảm theo quý, các ngân hàng nhỏ chịu mức giảm lợi nhuận đáng kể nhất do chi phí huy động tiền gửi tăng cao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng này và một số ngân hàng quy mô vừa ghi nhận sự suy giảm chất lượng tài sản và chi phí tín dụng cao. Xu hướng lợi nhuận của các ngân hàng lớn có sự phân hóa; một số ngân hàng bị ảnh hưởng bởi thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm, ngoại hối (FX) và đầu tư chứng khoán giảm, trong khi một số ngân hàng khác hưởng lợi từ nỗ lực giảm rủi ro trước đó đã giảm mạnh chi phí tín dụng và tăng lợi nhuận thu hồi nợ.
VIS Rating kỳ vọng phần lớn ngân hàng đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng lớn có sự tăng trưởng cho vay doanh nghiệp mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện, kỳ vọng ROAA toàn ngành sẽ cải thiện lên 1.6% cho cả năm 2024 từ mức 1.5% năm trước.
Bộ đệm rủi ro vẫn ở mức yếu
Tính đến cuối quý 3, tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình trên tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) toàn ngành không thay đổi so với quý trước, ở mức 8.8%, do tăng trưởng lợi nhuận chậm lại. Gần 20% ngân hàng trong đánh giá có hồ sơ an toàn vốn yếu, bao gồm các ngân hàng nhỏ với lợi nhuận mỏng và một số ngân hàng quốc doanh bị hạn chế trong việc tăng vốn mới.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) toàn ngành tăng nhẹ 1% so với quý trước, đạt 83% vào cuối quý 3, dẫn dắt bởi CTG do tăng mức trích lập dự phòng và giảm nợ có vấn đề. LLCR của MBB (HM:MBB) giảm xuống mức thấp nhất 5 năm, còn 69%, do khoản vay của doanh nghiệp bất động sản lớn trở thành nợ xấu. Phần lớn các ngân hàng nhỏ và vừa tiếp tục có LLCR dưới mức trung bình của ngành. Một số ngân hàng (CTG, VCB (HM:VCB)) đang chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý để hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, điều này sẽ giúp các ngân hàng giữ lại vốn.
Rủi ro thanh khoản đang gia tăng
Điểm đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rủi ro thanh khoản đang gia tăng khi các ngân hàng ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn và lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành duy trì ổn định ở mức 19% tổng dư nợ cho vay khách hàng trong 9T2024. OCB ghi nhận mức tăng lớn nhất 3% so với cùng kỳ, nhờ các nỗ lực chuyển đổi số. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành vẫn ở mức cao, đạt 106%. Các ngân hàng nhỏ và vừa (BVB, ABB (ST:ABB), LPB, NAB, MSB) tăng chi phí huy động vốn cao hơn để duy trì tiền gửi và tăng cường vay liên ngân hàng ngắn hạn.
Từ giữa tháng 10/2024, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng 3.5%, lên mức trung bình 6%, sau những áp lực tỷ giá và thanh khoản thị trường thắt chặt hơn. Lãi suất liên ngân hàng nếu tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới sẽ làm tăng rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng nhỏ và vừa.
Hàn Đông