Vietstock - Vì sao việc giữ trần lãi suất đô la Mỹ 0% lại quan trọng?
Gần đây xuất hiện một số ý kiến cho rằng cần bãi bỏ chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% dựa trên tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, cần biết rằng chính sách này không chỉ góp phần hạn chế đô la hóa, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho nền kinh tế.
Giảm đô la hóa nhờ chính sách lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0%
Theo thông tin chia sẻ mới đây từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6-2024. Nếu tính theo giá trị tổng phương tiện thanh toán được công bố gần nhất đến cuối tháng 4-2024, lượng tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống hiện xấp xỉ 970.000 tỉ đồng.
Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ tuy giảm nhưng nếu xét theo tốc độ tăng, tiền gửi ngoại tệ đã tăng lên gấp 1,7 lần so với thời điểm cuối năm 2014. Dù vậy, mức tăng này không đáng kể nếu so với tốc độ tăng hơn 3,2 lần của tiền gửi tiền đồng. Rõ ràng khi quy mô nền kinh tế và huy động vốn của hệ thống ngân hàng gia tăng, tiền gửi ngoại tệ theo đó cũng có sự tăng trưởng là điều tất yếu. Điều quan trọng hơn là khi đánh giá mức độ đô la hóa của nền kinh tế, các tổ chức sẽ dựa vào tỷ trọng chứ không phải căn cứ trên số tuyệt đối hay mức tăng trưởng.
Ngoài tiền gửi, NHNN cho biết tỷ trọng dư nợ ngoại tệ cũng có xu hướng giảm dần, với hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ giảm đều qua các năm, từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% đến tháng 6-2024. Theo đó, ước tính của người viết cho thấy dư nợ ngoại tệ cuối tháng 6-2024 chỉ quanh 510.000 tỉ đồng, tăng 6,2% so với thời điểm cuối năm 2016, trong khi dư nợ tiền đồng đã leo lên gấp gần 2,8 lần so với cùng thời điểm.
Nếu bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ trở lại, khi đó lãi suất tiền gửi tiền đồng cũng phải tiếp tục nâng lên tương ứng, để giữ chênh lệch giữa hai đồng tiền ở mức phù hợp mới mong hấp dẫn người gửi tiền nắm giữ tiền đồng. Điều này vô hình trung làm tăng chi phí vốn đầu vào của các tổ chức tín dụng, từ đó kéo lãi suất cho vay tăng theo. |
Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch từ huy động – cho vay ngoại tệ sang mua – bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của tiền đồng, vẫn đang được duy trì vững chắc. Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ/huy động ngoại tệ cách xa mức 100% và liên tục đi xuống trong những năm qua cho thấy nguồn huy động ngoại tệ vẫn đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoại tệ trong nước, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, hạn chế gây áp lực lên tỷ giá.
Đạt được những kết quả này, không thể không nhắc đến chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ đã được nhà điều hành mạnh dạn giảm về mức 0% từ cuối năm 2015, sau khi trước đó đã có bốn năm liên tiếp giảm. Nếu nhìn lại nhiều năm trước, lãi suất huy động đô la Mỹ tại các ngân hàng từng có lúc lên tới 5-6%/năm, dễ hiểu vì sao giai đoạn đó nền kinh tế bị đô la hóa trầm trọng, khi khách hàng gia tăng tích trữ ngoại tệ và vẫn được hưởng lãi suất hấp dẫn khi gửi ngân hàng.
Cùng với những chính sách chống đô la hóa, cộng thêm nguồn ngoại tệ đổ vào Việt Nam mạnh mẽ trong những năm qua ở kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối và thương mại, NHNN cho biết đã mua ròng khoảng 48,2 tỉ đô la Mỹ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối từ năm 2016 đến nay; trong đó tính riêng từ 2016-2021, NHNN mua ròng khoảng 71 tỉ đô la Mỹ từ các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, lạm phát đã giảm mạnh, từ hai con số xuống một con số, và duy trì ở mức thấp, cũng nâng tầm giá trị tiền đồng và chuyển hóa nguồn lực đô la Mỹ trong dân thành nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.
Còn lợi ích nào khác?
Gần đây xuất hiện một số ý kiến cho rằng cần bãi bỏ chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0%, hay nói cách khác là nâng mức trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ lên, dựa trên cơ sở là tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng từ năm ngoái đến nay biến động khó lường do ảnh hưởng bởi chính sách neo giữ lãi suất cơ bản đô la Mỹ ở mức cao của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), kéo theo nguy cơ đảo chiều của dòng vốn quốc tế. Phía nhà điều hành trong một hội nghị gần đây cho biết sẽ có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng đối với việc triển khai chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% trong thời gian qua.
Ngoài việc chống đô la hóa, chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% còn có những tác động quan trọng nào khác mà có lẽ cần phải tiếp tục được duy trì?
Thứ nhất, nếu bãi bỏ chính sách này đồng nghĩa với việc cho phép các ngân hàng trả lãi suất cho tiền gửi đô la Mỹ, ngược lại càng gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thay vì kỳ vọng sẽ giúp ổn định tỷ giá. Bởi vì khi đó có thể quay lại câu chuyện năm nào, gửi đô la Mỹ mà vẫn được hưởng lãi thì sẽ càng kích thích người dân nắm giữ đô la Mỹ hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng bãi bỏ chính sách này để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của thị trường. Theo đó, thời gian qua vẫn có tổ chức tín dụng dùng chiêu trò nhằm lách chính sách này để thu hút khách hàng gửi đô la Mỹ.
Cách thức là vẫn nhận tiền gửi đô la Mỹ với lãi suất 0%, sau đó cho vay lại tiền đồng với tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm đô la Mỹ, kỳ hạn vay gần bằng kỳ hạn sổ tiết kiệm đô la Mỹ và lãi suất vay chỉ từ 1-3%/năm (các ngân hàng hiện nay cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ cao hơn 2-3% lãi suất trên sổ). Với lượng tiền đồng được vay này, khách hàng sẽ đem gửi lại ngân hàng ở các kỳ hạn có lãi suất từ 4-6%/năm, theo đó vẫn đảm bảo được hưởng chênh lệch lãi suất từ lượng tiền gửi đô la Mỹ ban đầu.
Tuy nhiên, không thể vì những giao dịch mang tính cá biệt như vậy mà phải xem xét bỏ chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ 0% để hợp thức hóa nhu cầu của ngân hàng hay khách hàng. Muốn ngăn chặn các giao dịch như vậy nhà điều hành cần phải có cơ chế, giải pháp kiểm soát hiệu quả hơn.
Có ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ trong nước nhằm thu hẹp với mức lãi suất cơ bản đô la Mỹ đang được Fed neo giữ tại vùng 5,5%/năm, hạn chế tình trạng dòng vốn ngoại tệ chảy ngược sang các quốc gia đang áp dụng lãi suất đô la Mỹ cao hơn, nhưng, thứ nhất, như vậy thì sẽ phải tăng lên đến mức bao nhiêu mới là phù hợp? Cũng cần lưu ý Fed có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ cuộc họp vào tháng 9 tới.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa cho tự do hóa giao dịch vốn hoàn toàn, vì vậy để kiểm soát dòng vốn ngoại tệ chảy ngược sang các quốc gia khác theo các con đường không chính thức, cơ quan quản lý cần có các chính sách giám sát chặt chẽ và ngăn chặn hiệu quả hơn theo đúng quy định hiện nay, cũng như hạn chế tình trạng lỗi và sai sót kéo dài trong cán cân thanh toán tổng thể.
Thứ hai, nếu bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ trở lại, khi đó lãi suất tiền gửi tiền đồng cũng phải tiếp tục nâng lên tương ứng, để giữ chênh lệch giữa hai đồng tiền ở mức phù hợp mới mong hấp dẫn người gửi tiền nắm giữ tiền đồng. Điều này vô hình trung làm tăng chi phí vốn đầu vào của các tổ chức tín dụng, từ đó kéo lãi suất cho vay tăng theo. Hệ quả kế tiếp là gây áp lực lên nền kinh tế, ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và các động lực mở rộng đầu tư, ngược lại với mục tiêu của nhà điều hành suốt những năm qua là luôn nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, trong dài hạn Việt Nam vẫn theo định hướng kiên định chuyển từ huy động – cho vay ngoại tệ sang mua – bán ngoại tệ để nâng cao vị thế của tiền đồng. Trong tương lai, nếu các hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ bị xóa bỏ dần, thì tại sao lại phải xem xét áp dụng chính sách trả lãi suất cho tiền gửi đô la Mỹ trở lại? Điều này đi ngược lại với định hướng phát triển dài hạn và các mục tiêu chính sách đặt ra.
Tuệ Nhiên