Vietstock - UOB: Triển vọng phía trước vẫn tích cực dù có thể tăng chậm hơn
Với kết quả hoạt động của nền kinh tế trong quý 2/2024 cao hơn kỳ vọng của UOB và thị trường, đồng thời tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng năm 2024 vẫn tươi sáng.
Đà tăng trưởng kéo dài sang quý 2/2024
Dữ liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố cho thấy GDP thực tế của Việt Nam tăng 6.93% so với cùng kỳ trong quý 2/2024, tiếp nối đà tăng từ mức 5.87% so với cùng kỳ (đã được điều chỉnh tăng so với công bố trước đó) trong quý 1/2024 và 6.72% so với cùng kỳ trong quý 4/2023 và vượt qua mức tăng 4.05% trong cùng quý năm 2023. Kết quả này gây bất ngờ so với kỳ vọng của UOB và thị trường là 6.0%, khi cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều hoạt động mạnh mẽ trong quý.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6.42% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024, vượt xa mức 3.84% trong nửa đầu năm 2023. Kết quả khả quan này tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, sau năm 2023 đầy khó khăn và thử thách.
Cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục hỗ trợ phần lớn hoạt động kinh doanh, trong khi hoạt động ngoại thương vẫn duy trì tốc độ mạnh mẽ trong quý 2/2024. Sự gia tăng doanh số ngành hàng bán dẫn kể từ giữa năm 2023 cho thấy động lực này có thể tiếp tục hơn nữa trong 1-2 quý tới.
Triển vọng phía trước vẫn tích cực dù có thể tăng chậm hơn
Với kết quả hoạt động trong quý 2/2024 cao hơn kỳ vọng của UOB và thị trường, đồng thời tạo ra tín hiệu tích cực, triển vọng cho năm 2024 vẫn tươi sáng. Tuy nhiên, UOB lưu ý nửa cuối năm nay có thể chứng kiến hiệu quả hoạt động tăng chậm hơn do đối chiếu với số liệu cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023 cũng như những rủi ro vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine và xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại và các thị trường năng lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho triển vọng của Việt Nam. UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6% cho năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6.0-6.5%.
CPI tăng quý thứ 5 liên tiếp
Về lạm phát, sự phục hồi của chi tiêu trong nước đã gây áp lực lên giá tiêu dùng, khiến chỉ số CPI toàn phần của Việt Nam tăng quý thứ 5 liên tiếp, lên 4.39% so với cùng kỳ trong quý 2/2024 (3.77% trong quý 1/2024), tiến gần đến ngưỡng trên của ngân hàng trung ương là 4.5%. Trái ngược với lạm phát toàn phần, CPI cơ bản (trừ thực phẩm, năng lượng và hàng hóa do các cơ quan Nhà nước quản lý như giáo dục và dịch vụ y tế) đã giảm tốc quý thứ 5 xuống còn 2.69% so với cùng kỳ (từ 2.81% trong quý 1/2024). GSO cho rằng chi phí thực phẩm và nhà ở tăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn phần, đặc biệt do sự tăng giá của thịt lơn (do dịch tả lợn châu Phi cuối năm 2023), điện, cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục.
Trong tương lai, một yếu tố có thể tác động đến lạm phát là kế hoạch tăng lương tối thiểu 6% kể từ tháng 7/2024, mức tăng lớn hơn một chút so với mức 5.88% trong tháng 7/2022. Việt Nam đã tăng mức lương tối thiểu lần lượt 7.3%, 6.5% và 5.3%, tương ứng vào các năm 2017, 2018 và 2019.
NHNN giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại
Sự mất giá gần đây của VNĐ trước đồng USD mạnh lên và tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thận trọng trong mọi thay đổi về lãi suất chính sách. Lưu ý đà tăng trưởng hiện tại có thể giảm bớt trong nửa cuối năm 2024, UOB tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4.5%.
Với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu đi trước một bước bằng việc hạ lãi suất trong tháng 6 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu nới lỏng lập trường chính sách trong nửa cuối năm, điều này có thể mở ra cơ hội cho NHNN đi theo xu hướng chung. Hiện tại, thay vì tiếp tục hạ lãi suất, Chính phủ đang tiếp tục tập trung vào các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Hàn Đông