Vietstock - Tỷ giá sẽ giảm trong năm 2025?
Việc các nền kinh tế lớn cắt giảm lãi suất, đặc biệt là Fed, đã hỗ trợ (Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở rộng khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, góp phần đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo "Triển vọng kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam trong nửa đầu 2025", Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo về tỷ giá có thể sẽ giảm trong năm 2025 nhờ nền tảng nội tại vững chắc.
Còn dư địa cho NHNN mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối
Việc Fed cắt giảm lãi suất đã làm đồng USD suy yếu, giảm áp lực lên đồng Việt Nam. Tuy nhiên việc ông Donald Trump tái đắc cử được cho là sẽ gây áp lực giảm giá trị của đồng Việt Nam và thâm hụt thương mại của Việt Nam.
Tuy nhiên, dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Mỹ, áp lực thực tế được dự đoán sẽ không quá lớn, do đó tác động lên đồng Việt Nam có thể sẽ được hạn chế.
Trong báo cáo tỷ giá nửa đầu năm 2024 có đề cập đến việc can thiệp mua ngoại tệ của NHNN để bổ sung cho dự trữ ngoại hối đã giảm hơn 20 tỷ USD vào năm 2022. Do đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng vẫn còn dư địa cho việc NHNN mua ngoại tệ nhằm mục đích bổ sung dự trữ ngoại hối.
Cần thận trọng trước rủi ro tín dụng khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn
Trong bối cảnh đã bị tổn thương cũng như nguồn cung nhà ở mới còn hạn chế và nhu cầu tăng đã dẫn đến giá cho thuê/mua bán bất động sản tăng. Thị trường bất động sản đã ghi nhận sự phục hồi, tuy nhiên vẫn còn chậm.
NHNN và Chính phủ đã hạ lãi suất và nới lỏng một số quy định đã giúp các doanh nghiệp bất động sản tăng lượng trái phiếu phát hành, tuy nhiên quy mô mua lại trái phiếu trước hạn lại giảm.
Theo Ngân hàng Shinhan Việt Nam, khi lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024, cần vô cùng thận trọng trước tình trạng tài chính đang suy yếu của các nhà phát triển bất động sản vốn đã bị tổn thương cũng như sự lan rộng của rủi ro tín dụng.
Nhu cầu vay vốn dự kiến tăng nhanh do kinh tế phục hồi
Kinh tế suy thoái đã khiến nhu cầu tín dụng và các khoản vay mới giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2024, tuy nhiên nhờ phục hồi kinh tế và các chính sách khuyến khích cho vay nên tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh và đạt mức 12.5% tính đến 07/12/2024, mức tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ năm 2023 (9%).
Khi tình hình sản xuất cải thiện và xuất khẩu hồi phục, dự kiến nhu cầu vốn của các ngành công nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tăng trưởng tín dụng bằng cách đơn giản hóa các quy định, thủ tục, hạ lãi suất cho vay và tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi.
Ngày 28/11/2024, NHNN đã thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các TCTD. Đây cũng là lần thứ 2 kể từ đầu năm NHNN thực hiện “nới room” tín dụng cho các ngân hàng sau lần đầu vào cuối tháng 8/2024.
Việc các nền kinh tế lớn cắt giảm lãi suất, đặc biệt là Fed, đã hỗ trợ NHNN mở rộng khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, góp phần đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước được thu hẹp, gánh nặng tỷ giá được giảm bớt, giá cả trong nước ổn định, dư địa được mở rộng, cắt giảm lãi suất sẽ có thể hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn từ những biến động bên ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, thay vì cắt giảm lãi suất, các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nên được ưu tiên.
Đồng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi
Tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ giảm trong năm 2025 nhờ nền tảng vững chắc trong nước. Tuy nhiên, đà giảm dự kiến sẽ hạn chế do khả năng phục hồi kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc vẫn còn chậm.
Dù Fed đã cắt giảm lãi suất khiến giá trị của USD giảm, song tốc độ mất giá của USD còn chậm do sự phục hồi của các nền kinh tế khác, đặc biệt là Eurozone, vẫn còn trì trệ.
Tuy nhiên, các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, giá cả leo cao do cạnh tranh thương mại, và tình trạng trì trệ kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là nguyên nhân khiến tỷ giá USD/VND tăng.
Hàn Đông