17 công ty báo lỗ, ngành chứng khoán lộ rõ sự phân hóa
Investing.com - Ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc cựu Tổng thống Barack Obama phạm tội phản quốc, cho rằng ông Obama đã dẫn đầu một âm mưu nhằm gán ghép ông với Nga để phá hoại chiến dịch tranh cử năm 2016 – dù ông Trump không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Người phát ngôn của ông Obama đã bác bỏ cáo buộc, gọi đây là “lố bịch” và chỉ là “chiêu đánh lạc hướng yếu ớt”.
Dù thường xuyên chỉ trích ông Obama, nhưng đây là lần hiếm hoi kể từ khi tái đắc cử, ông Trump đi xa đến mức cáo buộc người tiền nhiệm phạm tội hình sự.
Phát biểu tại Phòng Bầu Dục, ông Trump dẫn lại tuyên bố trước đó của Giám đốc Tình báo Tulsi Gabbard – người đe dọa chuyển hồ sơ các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Obama sang Bộ Tư pháp để truy tố, vì cho rằng họ đã cố tình làm sai lệch báo cáo can thiệp bầu cử của Nga năm 2016. Bà Gabbard tuyên bố đã giải mật tài liệu, cho thấy có một “âm mưu phản quốc” nhằm ngăn ông Trump đắc cử – cáo buộc mà phía Dân chủ bác bỏ là vô căn cứ và mang động cơ chính trị.
Ông Trump tuyên bố: “Mọi thứ đều rõ ràng, ông ta có tội. Đây là phản quốc”. Ông khẳng định nhóm của ông Obama đã cố “đánh cắp cuộc bầu cử”, dù không đưa ra bằng chứng nào.
Tuy nhiên, bản đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2017 xác nhận Nga đã tìm cách can thiệp vào bầu cử năm 2016 thông qua mạng xã hội, tấn công mạng và các chiến dịch tung tin giả, nhằm làm suy yếu vị thế của bà Hillary Clinton và hỗ trợ ông Trump. Tuy nhiên, đánh giá này không cho thấy các nỗ lực đó đã thay đổi kết quả bầu cử.
Một báo cáo lưỡng đảng năm 2020 của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng kết luận Nga sử dụng các nhân vật như Paul Manafort, WikiLeaks và các kênh khác để giúp chiến dịch của ông Trump.
Người phát ngôn của ông Obama, Patrick Rodenbush, khẳng định tài liệu do bà Gabbard công bố gần đây không làm thay đổi kết luận phổ biến: Nga có can thiệp, nhưng không thao túng được phiếu bầu.
Ông Trump bị chỉ trích vì lan truyền thuyết âm mưu
Ông Trump, người có lịch sử thúc đẩy nhiều thuyết âm mưu vô căn cứ, gần đây còn đăng lại video giả mạo ông Obama bị còng tay bắt giữ trong Phòng Bầu Dục.
Ông Trump cũng đang chịu áp lực từ cử tri bảo thủ yêu cầu công khai thêm thông tin về tỷ phú tai tiếng Jeffrey Epstein – người từng quen biết với ông Trump trong những năm 1990–2000 và đã tự sát khi bị giam chờ xét xử tội buôn người năm 2019.
Khi được hỏi về Epstein, ông Trump lập tức chuyển hướng sang tấn công ông Obama và bà Clinton. Ông nói: “Thứ đáng bị điều tra thật sự là hành động của ông Obama, vì ông ấy đã bị lộ rõ sai phạm", và gọi cuộc điều tra về Nga là một "cuộc đảo chính", khẳng định ông Obama đã “bị bắt quả tang” và ám chỉ sẽ có hành động pháp lý.
Dân biểu Dân chủ Jim Himes đã phản bác trên mạng xã hội X rằng: “Đây là lời nói dối. Nếu ông Trump bị nhầm lẫn, ông nên hỏi Ngoại trưởng Rubio – người từng đồng lãnh đạo cuộc điều tra lưỡng đảng và kết luận không có dấu hiệu chính trị hóa trong các đánh giá tình báo về bầu cử năm 2016”.
Hiện nay, cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đang giữ chức Ngoại trưởng dưới thời ông Trump.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump thường xuyên cáo buộc phe Dân chủ “vũ khí hóa” chính phủ liên bang để chống lại ông và các đồng minh, liên quan tới vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 và việc xử lý tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở.
Ông Trump tiếp tục công kích người tiền nhiệm
Ông Trump từ lâu đã nhắm vào ông Obama. Năm 2011, ông từng đưa ra thuyết âm mưu rằng ông Obama không sinh ra ở Mỹ, buộc ông Obama phải công bố giấy khai sinh. Gần đây, ông Trump cũng cáo buộc cựu Tổng thống Joe Biden ký tài liệu mật bằng máy tự động thay vì ký trực tiếp – cáo buộc bị bác bỏ là vô lý.
Cáo buộc của bà Gabbard về việc ông Obama thao túng thông tin tình báo để phá hoại ông Trump đã bị phản bác bởi nhiều báo cáo, trong đó có bản đánh giá do Giám đốc Tình báo John Ratcliffe yêu cầu, báo cáo lưỡng đảng năm 2018 và chính các tài liệu mà bà Gabbard giải mật gần đây.
Các tài liệu này cho thấy bà Gabbard đã nhầm lẫn giữa hai kết luận riêng biệt: Một là Nga không tấn công hệ thống bầu cử để thay đổi phiếu bầu, và hai là Nga có sử dụng công nghệ mạng để can thiệp vào môi trường chính trị Mỹ qua tuyên truyền và rò rỉ dữ liệu.
Bản đánh giá tháng 1/2017 dưới thời ông Obama đã dựa trên kết luận thứ hai: Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo chiến dịch gây ảnh hưởng để giúp ông Trump thắng cử. Dù bản rà soát sau đó chỉ ra một số sai sót trong quá trình thực hiện đánh giá này, nhưng vẫn khẳng định chất lượng và độ tin cậy của báo cáo do CIA cung cấp.