Vietstock - Trước khi lên thành phố, 5 huyện ở TPHCM cần 242.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Theo ước tính ban đầu, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 cho 5 huyện ven TPHCM là 242.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 132.000 tỷ, vốn huy động tư nhân 110.000 tỷ.
Theo Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 (do Sở Nội vụ và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện), ước tính nhu cầu vốn hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội cho 5 huyện ngoại thành lên tới 242.000 tỷ đồng.
Con số này do nhóm nghiên cứu và tư vấn Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra từ các nghiên cứu thực tiễn và dự báo.
Một góc huyện Củ Chi nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế
|
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, các huyện có thể hướng tới phát triển đô thị vùng ven loại 3 với chất lượng hạ tầng trung bình thấp. Nếu đặt mục tiêu như trên, áp lực đầu tư chưa cao và các huyện có thể xây dựng lộ trình bổ sung một số hạng mục như thoát nước mặt, khu xử lý rác thải tập trung…
Với chi phí thấp, các huyện có thể chưa đầu tư công viên mà thay thế bằng cách giữ lại các mảng xanh ven kênh, trong các nhà vườn..., để đảm bảo chất lượng cảnh quan và hệ sinh thái khi mật độ dân số tăng lên trên ngưỡng 2.000 người/km2.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, có một số khu vực rất khó cải thiện (như bắc Bình Chánh, nam Hóc Môn, bắc và tây Nhà Bè) về hạ tầng kết nối và bổ sung dịch vụ chất lượng cao. Những khu vực này có thể gác lại để tập trung cải thiện những khu vực thuận lợi hơn. Cách làm này có thể đáp ứng nhanh các tiêu chí lên đô thị và giảm áp lực gia tăng dân số vào các khu vực kém thuận lợi.
Nhóm cũng tính toán, xét từ suất đầu tư hạ tầng đồng bộ cho khu đô thị mới là 9 tỷ đồng/ha (theo đơn giá năm 2021), tổng mức đầu tư của tư nhân vào các khu đô thị mới khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tổng lượng vốn được phân bổ cho giai đoạn 2021-2030 của 5 huyện dự kiến là 91.000 tỷ đồng và đem lại cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỷ. Như vậy, tổng vốn khoảng 200.000 tỷ đồng (8 tỷ USD).
Trong đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, việc thu hút vốn tư nhân tập trung vào phát triển khu đô thị mới, còn vốn nhà nước đầu tư vào hạ tầng khung và cải tạo các khu vực hạ tầng cũ chưa hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, khi dân số tăng thêm 1,4 triệu người và cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người thì nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021-2030 dự kiến lên tới 10 tỷ USD.
Và, khi các huyện được đầu tư cơ bản sẽ tạo sự đột phá với khả năng chuyển đổi quỹ đất vùng ven ở mức 30% cho đến năm 2030. Khi đó, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất có thể đạt 528.000 tỷ đồng (21 tỷ USD).
Con số nhu cầu vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng cũng gần tương thích với số liệu khái toán sơ bộ của 5 huyện đến năm 2030, chưa tính đến một số dự án động lực (trọng điểm) từ bên ngoài triển khai.
Bên cạnh đó, theo số liệu Sở KH-ĐT tính toán, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2030 (qua danh mục dự án đăng ký) của 5 huyện ngoại thành lên đến 131.369,8 tỷ đồng, cao hơn mức ước tính của Sở QH-KT (chủ yếu ước tính vốn ngân sách cho phần hạ tầng) là 91.000 tỷ đồng.
Điều này là hợp lý, bởi riêng giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn đầu tư công của 5 huyện có thể sẽ còn tăng cao hơn do thời điểm hiện nay vẫn chưa dự trù được hết danh mục dự án.
“Tóm lại, theo ước tính sơ khởi, nhu cầu vốn ngân sách đầu tư 2021-2030 cho 5 huyện sẽ cần tối thiểu gần 132.000 tỷ đồng. Nếu tính thêm nhu cầu vốn huy động tư nhân, con số này có khả năng lên đến 242.000 tỷ đồng” - báo cáo nêu rõ.
Ưu tiên đẩy nhanh các dự án mang tính động lực Từ các nghiên cứu thực tiễn, nhóm thực hiện báo cáo đề xuất UBND TPHCM cần ưu tiên những dự án lớn, mang tính động lực cho sự phát triển của các huyện ngoại thành. Cụ thể, ngoài dự án Vành đai 3, thành phố cần ưu tiên đẩy nhanh dự án đường Vành đai 4, đây là dự án quan trọng tại khu vực đông Nam Bộ, có tác động tích cực đến định hướng phát triển của 5 huyện. Thứ hai là dự án Cao tốc TPHCM - Mộc Bài được phê duyệt và khởi công xây dựng vào năm 2023, đưa vào hoạt động năm 2025. Đây là dự án động lực cho khu vực phía tây bắc thành phố. Thứ 3 là dự án cầu Cần Giờ, dài 3,4km và có 4 làn xe, được phê duyệt số vốn 5.300 tỷ đồng. Đây là dự án động lực cho khu phía nam thành phố. Thứ 4 là dự án đầu tư xây dựng “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ với hơn 6,8 km cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu tải trọng lớn nhất thế giới, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Thứ 5 là dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ 600ha lên 2.870ha, với tổng vốn đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng. Đây là dự án mang tính động lực rất quan trọng cho huyện Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung, trên địa bàn khu vực ngoại thành trước mắt và lâu dài. |
Hồ Văn