Vietstock - Trung Quốc rót 1,3 tỷ USD đầu tư các dự án mới vào Việt Nam trong 4 tháng
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo chi tiết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện Trung Quốc giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD - Ảnh minh hoạ.
|
Tổng vốn FDI đăng ký tiếp tục đạt kỷ lục
Theo đó, tính đến 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 4 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2016 đạt 7,5 tỷ USD, năm 2017 đạt 10,6 tỷ USD và năm 2018 đạt 8 tỷ USD.
Trong đó, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018. Có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.
Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký..
Về tình hình xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 55,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 54,68 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng về mặt giá trị, song lại giảm về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2018 (4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu kể cả dầu thô tăng 18,9%; xuất khẩu không kể dầu thô tăng 20,3%).
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 42,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,17 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 10,5 tỷ USD không kể dầu thô.
Trung Quốc dồn dập đầu tư các dự án mới vào Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 4 với 1,6 tỷ USD.
Một con số đang lưu ý là trong cơ cấu vốn đăng ký, hiện Trung Quốc nổi lên giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỷ USD, số dự án cấp mới là 187 dự án.
Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm 2019 của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể kể tên như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang…
Vốn thực hiện luỹ kế đạt 197 tỷ USD
Tính lũy kế đến ngày 20/04/2019, cả nước có 28.398 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 349 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 197 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 203 tỷ USD, chiếm 58,1% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,3 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 23,3 tỷ USD (chiếm 6,7% tổng vốn đầu tư).
Hiện tại có 131 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 64,3 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 57,3 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
Nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Tp.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45,4 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33,1 tỷ USD (chiếm 9,5 % tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 32,5 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).
HẠNH NGUYÊN