Vietstock - TPHCM đóng góp gần 20% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết nội dung này tại Hội nghị Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TPHCM về kết quả kinh tế-xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, diễn ra sáng 10/8. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình kinh tế-xã hội TPHCM 7 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, GRDP Thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6.46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19.64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng là 309,000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 17.3% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10.6%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6.2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8.4%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch tăng 15.4%; khách quốc tế đến Thành phố tăng 30.3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20.8% so với cùng kỳ.
Chuyển động bộ máy chính quyền Thành phố có nhiều tích cực. Thành phố đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả; tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1; tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức; Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50…
Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.
Các chương trình hợp tác với các địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, thiết thực. Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sức lan tỏa, tổ chức chu đáo các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn. Các hoạt động kỷ niệm, lễ hội, sự kiện được tổ chức tiết kiệm, ý nghĩa. Công tác cải cách hành chính, an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát.
Đặc biệt, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; đặc biệt, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tập trung tăng cường, từ đó các loại hình tội phạm giảm mạnh. "Đây là điếm sáng, điểm đáng mừng của TPHCM", ông Mãi nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhìn nhận, Thành phố còn một số hạn chế như: Năng lực hấp thụ vốn, giải ngân đầu tư công chưa đạt. Một số cơ chế, chính sách đột phá theo Nghị quyết 98 nhằm khơi dậy tiềm năng, huy động nguồn lực chậm đi vào cuộc sống.
Trong những tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện kế hoạch năm, trong đó tập trung giải ngân đầu tư công; tháo gỡ các vướng mắc, tăng khả năng hấp thụ vốn; triển khai Chỉ thị về tăng trưởng, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách động lực của Nghị quyết 98 gắn với triển khai Nghị định 84 vừa được ban hành. Tập trung hoàn thiện đề án, dự án trọng điểm trình cơ quan có thẩm quyền để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Trung tâm Tài chính quốc tế, về hệ thống đường sắt đô thị và về Dự án Vành đai 4.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Tập trung cao để giải ngân đầu tư công
Về kết quả giải ngân đầu tư công, theo ông Mãi, tính đến ngày hôm qua, Thành phố giải ngân được 13,218 tỷ đồng trên tổng số 79,263 tỷ đồng, đạt 16.7%. Kết quả này thấp hơn bình quân chung của cả nước và thấp hơn chỉ tiêu 6 tháng của Thành phố (30%).
Nguyên nhân là do giải quyết một số thủ tục liên quan đến đầu tư công như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục dự án còn chậm. Nhiều dự án lớn chờ áp dụng luật mới, như Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024, Luật Đấu thầu có hướng dẫn từ tháng 4/2024.
Một số dự án lớn có vướng mắc về mặt pháp lý như dự án chống ngập 10,000 tỷ đồng. Một số dự án có sử dụng cát san lấp trong hợp phần xây dựng, ví dụ như đường Vành đai 3 chậm nên ảnh hưởng đến khối lượng.
Nói về nhiệm vụ sắp tới, ông Mãi cho biết Thành phố sẽ tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, của Thường trực Chính phủ về đẩy nhanh đầu tư công; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên có liên quan; tăng cường kiểm tra xử lý các phát sinh, xử lý trách nhiệm và vận hành tổ chuyên trách của UBND TPHCM để theo dõi nhắc việc hằng ngày và kịp thời giải quyết.
Thành phố phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt 95% theo các mốc sau: Tháng 8 phấn đấu đạt 16,200 tỷ đồng, đạt 20.4%; tháng 9 đạt 21,300 tỷ đồng, đạt 26.9%; tháng 10 đạt 30,400 tỷ đồng, đạt 38.4%; tháng 11 đạt 35,700 tỷ đồng, đạt 57,8%; tháng 12 đạt 68,000 tỷ đồng, đạt 85.9%; tháng 1/2025 đạt 74,900 tỷ, đạt 94.6%.
Nhật Quang