Vietstock - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng cường quản lý chất lượng nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng
Ngày 21/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ và trực tuyến với các điểm cầu địa phương, doanh nghiệp, tổ chức. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) - Ảnh:VGP/Toàn Thắng
|
Tăng cường quản lý để ổn định thị trường vật liệu xây dựng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong thời gian qua, VLXD đã có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như xi măng, kính, thủy tinh, bê tông… Nhiều sản phẩm VLXD mẫu mã mới đã được sản xuất bằng công nghệ mới.
Bên cạnh việc sản xuất VLXD trong nước, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, hiện đã có thêm lượng VLXD lớn nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới về thị trường Việt Nam.
Hiện nay, việc quản lý VLXD, chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng năm 2014 với các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD trong công trình xây dựng; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 nêu quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, mặc dù vậy, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; còn xảy ra tình trạng sản phẩm kém chất lượng được đưa vào các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Mặt khác, một lượng lớn hàng hóa đang được lưu thông mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ chất lượng. Trước tình trạng này, công tác nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD đã được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp VLXD; ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm VLXD nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về tự do thương mại của WTO.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực tiễn để xây dựng Thông tư về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD, đảm bảo đúng trình tự quy định.
Các địa phương đã tích cực tham gia, tổng kết đánh giá, cho ý kiến với dự thảo Thông tư. Bộ cũng đã xem xét, tiếp thu ý kiến các địa phương, Bộ ngành để hoàn thiện nội dung.
Ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VXLD. Sau khi ban hành, Bộ đã nhận được nhiều văn bản phản hồi từ phía các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao sự vào cuộc từ phía các cấp, chính quyền địa phươngtrong việc triển khai thực hiện Thông tư. Đồng thời nhấn mạnh, Hội nghị tập huấn, phổ biến lần này sẽ là dịp để Bộ Xây dựng truyền tải những nội dung mới, cốt lõi của Thông tư số 10/2024/TT-BXD tới địa phương, Sở ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức; tháo gỡ nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh:VGP/Toàn Thắng
|
Đảm bảo quản lý theo hướng minh bạch, hiệu quả
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành đã phổ biến nội dung Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Về đối tượng áp dụng, Thông tư được áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa VLXD; các tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm, tổ chức kiểm định và tổ chức giám định tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Thông tư số 10/2024/TT-BXD có 5 Chương với 21 Điều. Về nội dung, Thông tư ban hành Danh sách các nhóm VLXD; phân biệt sản phẩm, hàng hóa VLXD không gây mất an toàn (nhóm 1) và sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng (nhóm 2) để quy định phương pháp quản lý chất lượng phù hợp; Quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD trong các hoạt động cụ thể gồm: Sản xuất - Xuất khẩu - Nhập khẩu - Lưu thông trên thị trường - Sử dụng.
Bên cạnh đó, Thông tư góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa VLXD, tiến hành sàng lọc các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt và các sản phẩm hàng hóa chất lượng chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm ,chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sinh hoạt của người dân.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD nhập khẩu, nhất là các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng; sử dụng phương thức kiểm tra chất lượng tại nguồn sản xuất theo thông lệ quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đã cùng trao đổi về nội dung của Thông tư số 10/2024/TT-BXD liên quan đến đánh giá hợp quy các sản phẩm, hàng VLXD theo phương thức 1, phương thức 5, phương thức 7.
Đồng thời nêu lên sự khác biệt về chuẩn mực sản phẩm, hàng hóa; thủ tục xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa VLXD; làm rõ phụ lục 2 về danh mục sản phẩm, hàng hóa VLXD có khả năng gây mất an toàn; việc chỉ định tổ chức, đơn vị có năng lực chức nhận, đánh giá; làm rõ về quy trình trình tự, thủ tục kiểm tra…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Về cơ bản, nội dung Thông tư số 10/2024/TT-BXD đã đảm bảo các quy định theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007, Luật Xây dựng năm 2014 liên quan đến quản lý chất lượng.
Trong đó, các bên cần lưu ý tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua 5 chuỗi hoạt động gồm: Sản xuất - Xuất khẩu - Nhập khẩu - Lưu thông trên thị trường - Sử dụng.
Nhật Quang