Vietstock - Thấy gì qua biến động tổng phương tiện thanh toán?
Tổng phương tiện thanh toán (PTTT) tăng trưởng khá thấp từ đầu năm đến nay, tác động lên tăng trưởng tiền gửi và tín dụng của hệ thống. Điều gì đang dẫn dắt xu thế này và thời gian tới sẽ ra sao?
Tăng trưởng thấp vì đâu?
Theo dữ liệu mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng PTTT đến cuối tháng 7 đạt hơn 16.4 triệu tỷ đồng, tăng 2.52% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so mức tăng 3.21% đạt được trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tổng PTTT đã giảm sút 0.68% riêng trong tháng 7. Diễn biến này cũng đi ngược lại với tháng trước đó, khi số liệu cho thấy 5 tháng đầu năm chứng kiến tổng PTTT chỉ mới tăng 0.82%, nhưng riêng tháng 6 lại bất ngờ tăng mạnh 2.37%.
Xu hướng tăng trưởng của tổng PTTT cũng tương thích với huy động vốn và tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, tiền gửi của toàn ngành 5 tháng đầu năm chỉ mới tăng 0.37%, tháng 6 tăng vọt 2.24% để nâng mức tăng lũy kế 6 tháng lên 2.62%, nhưng đến tháng 7 lại bất ngờ sụt giảm 0.86% xuống chỉ còn tăng 1.74% so với đầu năm, đạt hơn 13.6 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 1.07% và tiền gửi của dân cư tăng 4.68%.
Tương tự, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế 5 tháng đầu năm trì trệ khi chỉ tăng 3.43%, nhưng 6 tháng tăng lên 6.1% nhờ vào mức tăng mạnh 2.58% của riêng tháng 6; và sự suy yếu lại hiện ra khi tháng 7 sụt giảm 0.16%, kéo tổng dư nợ đến cuối tháng 7 xuống 14.37 triệu tỷ đồng, chỉ còn tăng 5.93% so với đầu năm. Trong đó, sự tăng trưởng tập trung vào các ngành công nghiệp tăng 7.37% và thương mại 6.31%.
Sự tương đồng giữa tổng PTTT, huy động vốn và dư nợ tín dụng là khá rõ ràng, khi 5 tháng đầu năm tăng trưởng chậm, đột ngột tăng mạnh trong tháng 6, trước khi sụt giảm trở lại trong tháng 7. Đây là hệ quả tất yếu khi 3 chỉ tiêu này cũng có sự liên hệ mật thiết và có những tác động qua lại với nhau. Cụ thể, khi tổng phương tiện thanh toán được mở rộng, có thể giúp nguồn tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gia tăng. Với nguồn vốn dồi dào hơn sẽ lại tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay.
Ngược lại, tăng trưởng tín dụng mạnh cũng có thể góp phần kéo tăng trưởng cung tiền, vì đây cũng là một trong những cơ sở ảnh hưởng đến cung tiền, bên cạnh các yếu tố như cán cân thanh toán, vốn chịu tác động bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài, cán cân thương mại, dòng tiền kiều hối, hoạt động bơm tiền của NHNN qua kênh mua bán ngoại tệ.
Theo đó, việc nhà điều hành đã phải bán ngoại tệ can thiệp trong nửa đầu năm cũng đã khiến tổng PTTT tăng trưởng thấp như vậy. Một số thông tin cho thấy, nhà điều hành đã bán ra 6.4 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối trong 6 tháng đầu năm, như là giải pháp để ổn định tỷ giá trong bối cảnh thị trường ngoại hối chịu áp lực quá lớn từ xu hướng tăng mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế giai đoạn đó, cũng như trước áp lực từ sự leo thang của giá vàng trong nước.
Sẽ mở rộng dần trở lại?
Con số 2.52% của tăng trưởng tổng PTTT đến cuối tháng 7/2024 so với đầu năm cũng thấp hơn mức tăng 2.91% của 7 tháng năm 2023. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cùng kỳ, tổng PTTT đến cuối tháng 7/2024 tăng hơn 12% so với cùng kỳ 2023, trong khi thời điểm tháng 7/2023 chỉ ghi nhận tăng 5.88% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính đến từ mức tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2023, khi chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm tổng PTTT đã kịp tăng thêm đến 6.5%.
Có lẽ cũng vì tốc độ mở rộng quá nhanh trong những tháng cuối năm 2023 đã góp phần khiến nhà điều hành phải thận trọng hơn trong việc điều hành tổng PTTT trong năm nay, đặc biệt khi các rủi ro về tỷ giá và lạm phát vẫn tiềm ẩn khó lường. Thực tế chính việc bán ngoại tệ của NHNN tuy ảnh hưởng đến tổng PTTT, nhưng cũng đã góp phần kiềm chế đà tăng tỷ giá, giúp tiền đồng tăng giá trở lại từ đầu quý 3 đến nay.
Có lẽ cũng vì tốc độ mở rộng quá nhanh trong những tháng cuối năm 2023 đã góp phần khiến nhà điều hành phải thận trọng hơn trong việc điều hành tổng PTTT trong năm nay, đặc biệt khi các rủi ro về tỷ giá và lạm phát vẫn tiềm ẩn khó lường. Thực tế chính việc bán ngoại tệ của NHNN tuy ảnh hưởng đến tổng PTTT, nhưng cũng đã góp phần kiềm chế đà tăng tỷ giá, giúp tiền đồng tăng giá trở lại từ đầu quý 3 đến nay. |
Dù vậy, với chênh lệch giữa tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng của hệ thống ngày càng mở rộng, đã gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, thể hiện qua mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục đi lên trong 6 tháng qua. Với dư nợ tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong những tháng cuối năm nay, khi NHNN hồi tháng 8 đã nới room cho các nhà băng đáp ứng điều kiện, còn mới đây Chính phủ cũng yêu cầu phải đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, nếu huy động vốn không tăng theo kịp và cung tiền tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, lãi suất sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn hơn.
Trước tình hình này, nhà điều hành có thể sẽ phải nới lỏng cung tiền hơn, nhất là những tháng cuối năm nay khi bước vào giai đoạn cao điểm vay vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Số liệu thống kê cho thấy, nhà điều hành đã bơm ròng hơn 163,700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO) trong quý 3 vừa qua, trong đó riêng tháng 9 bơm ròng hơn 52,000 tỷ đồng.
Hoạt động mua ngoại tệ để khôi phục dự trữ ngoại hối cũng có thể được kích hoạt trở lại, vận dụng xu thế đồng USD suy yếu trong thời gian qua, cũng như nguồn ngoại tệ đổ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào. Cập nhật mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến 30/9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 24.78 tỷ USD, tăng 11.6% so với cùng kỳ năm 2023.
Với tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi thiệt hại từ các đợt bão lũ vừa qua, thể hiện mới nhất qua chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2024 đã rớt trở lại dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong 6 tháng qua. Cụ thể, PMI tháng 9 đã giảm mạnh xuống 47.3 điểm từ 52.4 điểm của tháng trước, phản ánh sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Báo cáo cũng cho thấy bão Yagi đã ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 với mưa lớn và lũ lụt dẫn đến đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời và sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất cùng với chuỗi cung ứng. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng đã giảm ở mức tương tự, và nguyên nhân cũng được cho là do ảnh hưởng của bão.
Để kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhầm đạt mục tiêu đề ra trong năm nay, cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng cần phải phát huy hiệu quả mạnh mẽ, trong đó việc mở rộng cung tiền hơn có thể là một trong những lựa chọn được xem xét, dù e ngại từ sức ép lạm phát vừa do ảnh hưởng của bão lũ vừa chịu tác động bởi chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn từ căng thẳng quân sự tại Trung Đông vẫn hiển hiện.
Phan Thụy