Vietstock - Rộ dịch vụ thuê hệ thống điện mặt trời
Thay vì bỏ ra hàng chục tỉ đồng đầu tư, nhiều doanh nghiệp chọn thuê hệ thống điện mặt trời để tiết kiệm chi phí, giảm tiền điện và góp phần sử dụng năng lượng xanh
Nhận được khá nhiều lời chào mời hợp tác khai thác điện mặt trời áp mái từ các công ty cung cấp thiết bị lẫn đơn vị trung gian, năm 2018, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (HM:HCM) (Saigon Co.op) quyết định chọn một nhà cung cấp lớn để thí điểm lắp hệ thống điện mặt trời áp mái tại một số trung tâm thương mại, siêu thị trực thuộc.
Hùn mái nhà
"Gọi là hợp tác nhưng thực chất là chúng tôi hùn mái nhà, đơn vị cung ứng sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống và bán điện mặt trời lại cho Saigon Co.op với giá cam kết rẻ hơn giá điện hiện hành" - ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại khu nhà xưởng dịch vụ xây sẵn Kizuna 2 (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)
Theo ông Dũng, sau địa điểm đầu tiên là Sense City Bến Tre (tỉnh Bến Tre), Sense City Cần Thơ (TP Cần Thơ) và Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM) đã lắp đặt, sử dụng điện mặt trời theo hình thức này. Sau thời gian thí điểm, nếu đánh giá hiệu quả đúng như cam kết, hai bên sẽ ký hợp đồng chính thức. "Chủ trương của Saigon Co.op là ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí hoạt động. Điện mặt trời có đủ các yếu tố đó và đang được Chính phủ khuyến khích nên chúng tôi thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, thay vì đầu tư hàng chục tỉ đồng, trước mắt Saigon Co.op chọn thuê hệ thống điện mặt trời của nhà cung cấp" - ông Diệp Dũng nói. Theo thỏa thuận, nếu ký hợp đồng chính thức, sau khi hết hợp đồng, thay vì nhà cung cấp bàn giao lại hệ thống điện mặt trời cho "chủ nhà" tiếp tục khai thác đến hết thời hạn sử dụng (về lý thuyết, mỗi tấm pin năm lượng mặt trời có hạn sử dụng 20-25 năm) thì họ phải tháo dỡ hệ thống, trả lại mái nhà trống cho Saigon Co.op.
Công ty CP Kizuna JV vừa đầu tư hơn 60 tỉ đồng để lắp hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 3 MW cho khu nhà xưởng dịch vụ xây sẵn Kizuna 2 rộng 8 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. 80% chi phí đầu tư được vay từ chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư vào năng lượng tái tạo của Vietcombank (HM:VCB) trong thời hạn 8 năm. Ông Đoàn Hồng Dũng, chủ tịch HĐQT công ty, cho hay dự kiến tháng 6 tới, giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với 1 MW của giai đoạn 1, toàn bộ hệ thống điện mặt trời sẽ cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện của toàn khu. "Chúng tôi có tổng cộng 3 khu nhà xưởng dịch vụ xây sẵn tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc. Sau khu đầu tiên, công ty sẽ xem xét đầu tư cho 2 khu còn lại hoặc liên kết với các nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để cho thuê mái nhà" - ông Đoàn Hồng Dũng thông tin.
Thời điểm chín muồi
Ông Đoàn Hồng Dũng đánh giá đây là thời điểm chín muồi để đầu tư điện mặt trời bởi công nghệ này đã rất tiến bộ, giá tấm pin năng lượng mặt trời khá hợp lý. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, mua điện mặt trời giá cao (9,25 cent/KWh). Như vậy, các KCX-KCN và khu nhà xưởng dịch vụ xây sẵn cho thuê như Kizuna có thêm lý do để đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh trong trong sản xuất công nghiệp của nhà đầu tư.
Theo các DN cung cấp giải pháp điện mặt trời, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng khách hàng là DN, hộ dân tìm hiểu, ký hợp đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tăng đáng kể so với trước. Song song đó, số DN thuê hệ thống điện mặt trời cũng tăng mạnh nên có nhiều nhà cung cấp triển khai dịch vụ này. Chẳng hạn, Công ty TTC Energy đang thương thảo với một số đối tác để ký hợp đồng cho thuê 18 MW điện mặt trời, mục tiêu trong năm nay sẽ cho thuê 45 MW, cao hơn nhiều so với mức 12 MW tính từ năm 2018 trở về trước. Ông Phạm Trọng Quý Châu, giám đốc công ty, cho rằng giải pháp cho thuê hệ thống điện mặt trời hiện chỉ triển khai với nhóm khách hàng là DN, chưa áp dụng với hộ dân do còn vướng một số rào cản về pháp lý. Một số khách hàng là thành viên của các tập đoàn đa quốc gia đặt vấn đề cho thuê mái nhà để khai thác điện mặt trời, tương tự như cách làm tại những quốc gia khác mà họ đặt nhà máy. "Công ty TTC Engergy đang trong quá trình đàm phán để triển khai, mở rộng dịch vụ. Chắc chắn trong tương lai gần, trên thị trường sẽ phổ biến hình thức thuê mái nhà của DN" - ông Châu nhận định.
Nhìn chung, với hình thức cho thuê hệ thống, DN cung cấp giải pháp điện mặt trời sẽ đầu tư 100% hoặc chia tỉ lệ đầu tư với bên thuê và bán lại lượng điện năng thu được từ các tấm pin năng lượng mặt trời cho bên thuê với giá rẻ hơn giá điện quốc gia ít nhất 10%. Tùy trường hợp cụ thể, tùy khách hàng sử dụng cho mục đích sản xuất hay kinh doanh mà thời hạn hợp đồng có thể kéo dài 6-7 năm hoặc lâu hơn. Sau thời gian này, bên cho thuê sẽ bàn giao toàn bộ hệ thống lại cho bên thuê tiếp tục khai thác đến khi hết vòng đời thiết bị. "DN tự đầu tư hệ thống điện mặt trời để sử dụng là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhiều DN muốn sử dụng nguồn điện sạch giá rẻ nhưng chưa chuẩn bị sẵn vốn đầu tư nên chọn giải pháp thuê hệ thống. Công ty VNG, KCX Tân Thuận và một số siêu thị là những khách hàng đầu tiên thuê hệ thống của Công ty TCC Energy" - ông Châu cho biết.
Ngân hàng vào cuộc Theo các DN cung cấp giải pháp điện mặt trời, gần đây, cùng với chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, các ngân hàng đã mở rộng cho vay đầu tư điện mặt trời, sẵn sàng đồng hành với các nhà cung cấp để tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, số lượng nhà đầu tư cá nhân lẫn DN tìm đến điện mặt trời gia tăng đáng kể. |
Bài và ảnh: Thanh Nhân