Nước ngoài "nuốt trọn" bán lẻ trực tuyến!

Ngày đăng 17:46 07/03/2019
Nước ngoài
BABA
-

Vietstock - Nước ngoài "nuốt trọn" bán lẻ trực tuyến!

Không nhiều cơ hội cho Việt Nam giành lại miếng bánh thương mại điện tử từ tay "cá mập" nước ngoài bởi xu thế chung là lĩnh vực này sẽ nằm trong tay chỉ vài tập đoàn toàn cầu.

Mảng bán lẻ trực tuyến trong nước chỉ còn lại Adayroi.com (Vingroup) và một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) quy mô cực nhỏ như Muabannhanh.com, 5giay.vn, Chodientu.vn... Trước đó, trang TMĐT Beyeu.com, Lingo.vn. Deca.vn…: nối gót nhau đóng cửa với bài học để lại đầu tư TMĐT nghĩa là "đốt" rất nhiều tiền, nếu không đủ lực thì tất yếu thất bại.

Thanh nam châm hút vốn ngoại

Chính bởi lý do trên mà những sàn bán lẻ trực tuyến còn trụ lại là những sàn có khả năng lớn gọi dòng vốn ngoại. Năm 2018, thị trường chứng kiến dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản hối hả đổ vào "mặt trận" bán lẻ online Việt Nam. Với quy mô thị trường dự báo 7,5 tỉ USD vào năm 2025 và tốc độ tăng trưởng 35%/năm, không khó lý giải vì sao xu hướng này diễn ra "hối hả".

SEA - công ty mẹ của Shopee - đã không tiếc tiền khi rót cho sàn TMĐT này thêm hơn 50 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho sàn bán lẻ online này vươn lên ngôi vương trong bảng xếp hạng các trang TMĐT tại Việt Nam năm qua. Mạnh tay hơn, Alibaba (NYSE:BABA) của ông chủ Jack Ma người Trung Quốc đổ vào Lazada 1 tỉ USD, chính thức bước chân vào thị trường Đông Nam Á. Tiki cũng nhận được 44 triệu USD vốn Trung Quốc của Tập đoàn JD, ngoài ra còn có 122 tỉ đồng của Công ty CP VNG. Sendo của FPT nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ một tập đoàn tài chính Nhật Bản và nhiều công ty từ các quốc gia khác.

Bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam đang thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hoàng Triều

Theo chuyên gia thương hiệu - thị trường Lại Tiến Mạnh, TMĐT với bản chất là kinh doanh xuyên biên giới trên nền tảng công nghệ và đặt trong tiến trình toàn cầu hóa sẽ hình thành nên những nhà đầu tư quy mô toàn cầu ở mảng này. Doanh nghiệp (DN) phải có vốn cực lớn, nền tảng công nghệ vững chắc để đầu tư dài hạn, kết nối được với thị trường quốc tế thì mới đáp ứng được đòi hỏi của lĩnh vực chuyên biệt như bán lẻ trực tuyến. Trong khi đó, DN Việt Nam không dễ đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là nguồn vốn, nhất là khi bán lẻ trực tuyến đang ở giai đoạn đua nhau đốt tiền giành thị phần.

"Xu hướng của thế giới là một vài ông lớn có quy mô toàn cầu sẽ thống lĩnh toàn bộ thị trường TMĐT. Miếng bánh thị trường của nhiều nước sẽ rơi vào tay các "cá mập" chứ không phải tình trạng của riêng Việt Nam" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhận định.

Trở lại câu chuyện gọi vốn ngoại. Đúng là không phải nhà đầu tư nào, dù nội hay ngoại, cũng có đủ nguồn lực tài chính để "đốt" vào cuộc đua khuyến mãi khủng, nâng cấp đường truyền, đầu tư giao diện, tranh giành khách hàng. Việc gọi vốn như những trường hợp kể trên cho thấy DN đã cạn tiền nhưng cũng cho thấy DN phải thể hiện được tiềm năng nhất định thì mới câu kéo được nhà đầu tư. "Điều này đa phần DN nội với quy mô cực nhỏ, nền tảng công nghệ hạn chế, đã không thể làm được" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh nhận xét và cho rằng DN Việt không có cơ hội trong mảnh đất TMĐT vốn được sinh ra cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Sàn nội đi vào ngách hẹp

Trong cuộc chiến này, con đường dành cho DN nội chỉ là những ngách cực nhỏ mà các đại gia không "sờ" đến. Ông Trương Võ Tuấn, sáng lập viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mua bán nhanh (chủ sàn Muabannhanh.com), thừa nhận kinh doanh TMĐT phải chấp nhận lỗ lớn trong một thời gian dài. Do đó, DN nội với vốn mỏng sẽ không thể chịu lỗ được dài, dẫn đến không ít sàn dù ra đời sớm nhưng đều chết yểu. Số ít còn lại chật vật đi theo những ngách rất nhỏ để tồn tại. "Chúng tôi tập trung vào những nhánh sản phẩm mà các sàn lớn không quan tâm kinh doanh, như ôtô cũ, xe tải cũ, nhà bán lại hoặc nhà dự án. Nếu không đi cách này mà đổ xô vào các mảng ưu thế của sàn bán lẻ lớn như sản phẩm công nghệ, gia dụng, quà tặng… thì chắc chắn thua" - ông chủ Muabannhanh.com chia sẻ.

Muabannhanh.com mới đây hào hứng công bố chiến lược tách riêng mảng xe, bất động sản ra thành 2 trang TMĐT chuyên biệt nhằm chuyên môn hóa sản phẩm. Tuy vậy, doanh thu của sàn này hiện vẫn loanh quanh ngưỡng 7-8 tỉ đồng/năm, chứng tỏ quy mô quá nhỏ bé. Sàn này cũng chưa hề có lợi nhuận, dù đã ra đời và hoạt động được gần 5 năm, bởi vẫn phải tiếp tục đầu tư thêm về đường truyền, nhân sự và cải thiện tiện ích.

Hướng tới phân khúc riêng cũng là cách làm của sàn TMĐT 5giay.vn. Ông Lưu Thanh Phương, chủ sàn này, nhìn nhận do sự cạnh tranh quá khốc liệt của TMĐT hiện đại, 5giay.vn phải hướng tới phân khúc khách hàng là người lớn tuổi, có nhu cầu mua và xem tận mắt món hàng cũ sau khi đã tham khảo sơ lược trên trang điện tử. Bởi vậy, dù vẫn có khách hàng riêng song không đáng kể. Kết quả, theo ông Phương, sàn này nhiều năm qua đã chịu cảnh không có lợi nhuận, thậm chí lỗ nhưng vẫn tồn tại bởi "sở thích" của người kinh doanh.

Các chuyên gia đánh giá TMĐT Việt hoạt động thiếu hiệu quả vì bên cạnh việc thiếu vốn, còn thiếu ý tưởng và chiến lược cạnh tranh, trong khi đây đều là những lợi thế của DN ngoại. Do đã bị bỏ lại quá xa, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho DN trong nước vẫn khó có thể giúp họ từng bước giành lại thị phần béo bở.

Làm gì để không phí cơ hội?

Tuy vậy, theo chuyên gia Lại Tiến Mạnh, vẫn còn cơ hội cho DN nội khi chen chân vào những khâu liên quan hoặc "ăn theo" TMĐT. Trong đó, thanh toán điện tử và giao hàng là 2 mảng thị trường lớn dành cho DN Việt. "TMĐT nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên thế giới sẽ nắm giữ nhiều hơn chúng ta. Ngay mảng giao hàng đang còn dư địa lớn nhưng nếu không nhanh tay, DN nội cũng sẽ mất trắng khi Grab, Goviet đang chiếm lĩnh phần lớn, chưa kể các sàn Lazada, Shopee… cũng tự xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp cho mình" - chuyên gia Lại Tiến Mạnh cảnh báo.

Ngoài ra, làn sóng đại gia TMĐT thế giới ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam và nhiệt tình hỗ trợ DN tăng cường năng lực xuất khẩu trực tuyến, như Amazon, cũng sẽ là cơ hội cho DN nhỏ đưa hàng sang nước ngoài. "Đã là xu thế của thế giới thì chúng ta không chống lại được mà chỉ nương vào họ mà sống, tìm kiếm cơ hội phù hợp với sức của mình" - ông Lại Tiến Mạnh lưu ý thêm.

Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng không nên phân biệt DN nội hay DN ngoại kinh doanh TMĐT mà nên nhìn ở góc độ các DN TMĐT hoạt động tại Việt Nam đem lại những giá trị gì. "Nếu DN ngoại hoạt động hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động Việt, tạo ra môi trường TMĐT đủ tốt cho người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi, đóng thuế cho nhà nước thì không có lý do gì không ủng hộ họ. Khi xây dựng chính sách cũng phải hướng tới tạo điều kiện bình đẳng cho mọi DN, không thể đòi hỏi chính sách riêng cho DN nội bởi như thế là đi ngược lại thị trường" - ông Bình nêu quan điểm.

Song, Phó Chủ tịch VECOM cũng góp ý rằng cần chính sách hỗ trợ DN TMĐT Việt Nam cạnh tranh với các DN TMĐT nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam, tận dụng thị trường Việt Nam nhưng không đóng thuế cho nhà nước, không mang lại giá trị cho xã hội. "DN Việt thực ra có thế mạnh rất lớn là am hiểu thị trường, chi phí vận hành thấp. Đã có nhiều DN của người Việt chiến thắng trên thị trường kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam như Sendo, Tiki trước khi được bơm vốn ngoại. Nếu được hỗ trợ thêm chính sách, tôi nghĩ DN Việt vẫn còn cơ hội tiếp cận các thị trường và các mảng sản phẩm riêng biệt, chứ không phải tham vọng trở thành chủ của hàng loạt sàn TMĐT" - ông Bình nói.

Người Việt thích chợ mạng nước ngoài

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, người Việt mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với sản phẩm trực tuyến trong nước. Nguyên nhân bởi các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay… có uy tín hơn các trang bán hàng trong nước. Ngoài ra, hàng hóa của nước ngoài cũng phong phú, đa dạng hơn, phù hợp với bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các TP lớn. Trong khi đó, DN Việt chưa xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng, chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng, yếu trong khâu kết nối trung gian… 

Phương Nhung

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.