Vietstock - Ngân hàng đua bán bảo hiểm nhân thọ
Một số công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại cho biết đang tiếp tục thương thảo để ký kết những hợp tác chiến lược nhằm cùng nhau khai thác, tận dụng "mỏ vàng" mới này
Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (NH) - bancassurance có thể đóng góp đến 50% doanh thu toàn ngành bảo hiểm nhân thọ trong 3 năm tới. Triển vọng này cộng với xu hướng thắt chặt tín dụng càng khiến các NH tập trung nhiều hơn vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ vốn không rủi ro.
Vay vốn được mời mua bảo hiểm
Có nhu cầu vay mua nhà, chị Nga (ngụ quận 9, TP HCM) ghé chi nhánh một NH cổ phần ở quận 1 hỏi lãi suất, thủ tục vay vốn. Nhân viên tư vấn cho biết với khoản vay khoảng 400 triệu đồng, thế chấp bằng chính căn nhà định mua, mức lãi suất chị Nga phải trả khoảng 12,5%/năm, thả nổi theo thị trường. Tuy nhiên, nếu chị đồng ý mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chi phí khoảng 8 triệu đồng năm đầu tiên thì sẽ được hưởng lãi vay ưu đãi chỉ 11,5%/năm, lợi hơn so với không mua bảo hiểm.
Các ngân hàng và công ty bảo hiểm đẩy mạnh bắt tay khai thác “mỏ vàng” từ bancassurance Ảnh: TẤN THẠNH
|
Nhân viên tư vấn này cho biết thêm, bán bảo hiểm qua NH đang được đẩy mạnh nên khách hàng sẽ được ưu đãi nếu vay vốn kết hợp mua bảo hiểm. Cuộc đua giành thị phần trong phân khúc bancassurance khiến không ít NH thương mại đưa chỉ tiêu bán bảo hiểm nhân thọ vào chỉ tiêu tín dụng của nhân viên. Cả công ty bảo hiểm lẫn NH thương mại đều nhìn nhận bancassurance đang bùng nổ, đóng góp ngày càng lớn vào doanh số, lợi nhuận của hai bên.
Đại diện Công ty Bảo hiểm Prudential cho biết đã có nhiều hợp tác với NH như Agribank, MSB, PVCombank, Standard Chartered, Vietbank, UOB… để cùng khai thác kênh bán hàng mới này. Không tiết lộ mức tăng trưởng từ bancassurance nhưng Prudential cho biết nhóm khách hàng này đang phát triển rất nhanh. Trong năm 2017, số khách hàng khai thác mới thông qua liên kết với NH chiếm hơn 20% tổng doanh thu của Prudential Việt Nam.
"Với kênh bán hàng này, NH là một đại lý bảo hiểm và đa số khách hàng có kiến thức tài chính nên công ty bảo hiểm thường thiết kế một số sản phẩm đặc thù. Các NH cũng khuyến khích chúng tôi tập trung vào nhóm sản phẩm đầu tư liên kết" - đại diện Prudential nói.
Tiềm năng thị trường rất lớn
Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam cũng đang hợp tác cùng 3 NH là Techcombank, SCB và TPBank. Kênh bancassurance đang đóng góp khoảng 30% doanh thu của Manulife Việt Nam, tính đến cuối năm 2018. Theo đại diện Manulife Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối qua kênh bancassurance đem lại lợi ích tối đa cho khách hàng thông qua sự tiện lợi của giao dịch tài chính một cửa, kết hợp nguồn lực của NH đối tác và công ty bảo hiểm nhằm phục vụ phân khúc khách hàng trung cao cấp.
Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam cũng đã bắt tay với NH Woori Bank và Shinhan để bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh NH. Lãnh đạo Hanwha Life Việt Nam cho biết ở các quốc gia phát triển về bảo hiểm, đây là kênh chiếm tỉ trọng rất cao về phí bảo hiểm mới, trong khi ở Việt Nam chỉ mới phát triển nên còn rất nhiều tiềm năng khai thác.
Về phía NH thương mại, một số NH liên tục tuyển hàng trăm nhân sự phục vụ riêng cho việc tư vấn, bán bảo hiểm sau khi bắt tay với các công ty bảo hiểm. Xu hướng thắt chặt tăng trưởng tín dụng thời gian qua khiến các NH tập trung nhiều hơn vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, xem đó là một trong những sản phẩm chủ đạo, nhất là khi bancassurance mang lại nguồn thu nhập không rủi ro và phí chiết khấu hấp dẫn.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện bancassurance chiếm khoảng 21% doanh thu toàn ngành bảo hiểm nhân thọ. Đây là sự tăng trưởng đáng kể so với mức tăng trưởng của kênh này trong những ngày đầu tiên. Trong năm 2015, con số đóng góp chỉ là 10% và đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua. Tiềm năng của bancassurance được tin tưởng có thể cán mốc 50% đóng góp toàn ngành trong 3 năm sắp tới.
Tại nhiều nước, việc mua bảo hiểm nhân thọ đã trở nên rất quen thuộc. Tại Việt Nam, theo thông tin của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện chỉ mới 8% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì vậy, dư địa thị trường còn rất lớn khi ngày càng nhiều người dân quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro, tìm phương thức bảo vệ bản thân, gia đình kết hợp đầu tư tài chính qua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Đây là cơ hội cho công ty bảo hiểm và cả NH thương mại.
Tranh nhau nguồn dữ liệu khách hàng Theo một số công ty bảo hiểm, do kênh bán hàng này đang phát triển nóng và rất cạnh tranh, các công ty bảo hiểm tranh nhau nguồn dữ liệu khách hàng của NH nên đẩy mức chiết khấu lên quá cao, dẫn đến thiếu sự chuẩn mực trong việc bảo vệ quyền lợi của ba bên là công ty bảo hiểm, NH và khách hàng. Chưa kể có tình trạng một số NH áp doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, nhân viên ép khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay hoặc nhân viên NH không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm nên tư vấn chưa chính xác. "Trên thế giới, các sản phẩm bảo hiểm bán qua NH chiếm tỉ lệ rất cao. Tại các thị trường phát triển, kênh NH có thể chiếm tới 70% doanh số của công ty bảo hiểm. Xu hướng này tại Việt Nam cũng là tất yếu, quan trọng là các công ty bảo hiểm cần đầu tư thêm cho đội ngũ đại lý chăm sóc khách hàng chặt chẽ hơn" - đại diện Prudential nói. |
THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN