Vietstock - Năm 2025, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ngày 2/10/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản số 746/TTg-CN về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Đề án đã được Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng để phục vụ việc xem xét bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào các quy hoạch và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
|
Để sớm tổ chức triển khai đầu tư xây dựng bến cảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về nhiệm vụ của các bộ, địa phương nêu tại văn bản số 9008/BC-BGTVT ngày 20/8/2024. Cụ thể gồm:
- UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, và tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Cân đối nguồn lực, gồm cả việc huy động từ các thành phần kinh tế khác để hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối dự án
- Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội và tổ chức triển khai xây dựng theo quy định.
- Xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; phương án cấp điện, nước, thông tin liên lạc phù hợp với tiến trình đầu tư xây dựng cảng; kế hoạch đầu tư công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng; kế hoạch đầu tư hạ tầng dịch vụ sau cảng phù hợp lộ trình đầu tư khai thác cảng và hạ tầng giao thông
- Phối hợp Bộ Quốc phòng thực hiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng trong khu vực; chủ trì xác định địa điểm đổ thải vật chất nạo vét.
- Phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp khai thác các cảng khu vực Cái Mép và Cần Giờ để nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác các cảng biển tại khu vực.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển; chủ trì lập và phê duyệt theo thẩm quyền Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh; có ý kiến về công nghệ bốc dỡ hàng hóa trong quá trình tham gia ý kiến bước đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án; phối hợp UBND TP.HCM tổ chức lựa chọn nhà đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; chủ trì thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp UBND TP.HCM thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp UBND TP.HCM thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 trên địa bàn Thành phố; chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, chấp thuận việc giao đất, giao mặt biển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên; phương án và địa điểm đổ thải vật chất nạo vét.
Bộ Quốc phòng phối hợp với UBND TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan trong việc thẩm định vị trí dự án yếu tố về quốc phòng - an ninh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND TP.HCM và nhà đầu tư quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác của dự án theo quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp (được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 248 Luật Đất đai năm 2024).
Bộ Công Thương phối hợp UBND TP.HCM trong việc đấu nối, cung cấp điện phục vụ hoạt động Dự án.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn UBND TP.HCM trong việc đầu tư khai thác khu phi thuế quan.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để triển khai thực hiện và xem xét giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền đối với các nội dung liên quan trong quá trình tổ chức nghiên cứu, đầu tư xây dựng Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tiến độ, kế hoạch triển khai nhiệm vụ
Tiến độ, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương như sau:
Trong 1uý 4/2024, hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060; phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2024, thẩm định, trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Năm 2025, lựa chọn Nhà đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 418/TB-VPCP ngày 13/9/2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó sử dụng tối đa thông tin, số liệu của Đề án xây dựng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để cập nhật, hoàn thiện Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy định; hoàn thiện các quy hoạch liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất phục vụ đầu tư, khai thác bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đề ra mục tiêu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực. Qua đó, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Về vị trí, Cảng dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129,000 tỉ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469.5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101.5 ha. Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2.1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16.9 triệu TEU vào năm 2047. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34,000 - 40,000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD). |
Hải Âu