Vietstock - Năm 2018, sữa và thực phẩm đóng gói vẫn trì trệ ở khu vực thành phố
Tại khu vực thành thị của 4 thành phố chính, ngành hàng sữa và thực phẩm đóng gói vẫn trì trệ, tuy nhiên, ngành hàng phi thực phẩm vẫn duy trì được tăng trưởng khả quan. Tại nông thôn, bức tranh sáng sủa hơn, hầu hết các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Kantar Worldpanel vừa có báo cáo cập nhật tình hình thị trường nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của Việt Nam năm 2018.
Theo đó, các chỉ số chính kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ vững phong độ, tăng trưởng GDP đạt 7.08% trong năm 2018, cao nhất tính từ 2011 đến nay. Chỉ số CPI vẫn được kiểm soát dưới +4% trong vòng 4 năm qua. Ngoài ra, phát triển kinh tế còn được thể hiện qua sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong nước với mức tăng 12%. Từ đó, Kantar Worldpanel đánh giá năm 2019, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng lạc quan, ước tính GDP đạt 6.8%.
Trong đó, bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG chững lại tại khu vực thành thị ở 4 thành phố chính, nhưng vẫn tăng trưởng tích cực tại khu vực nông thôn.
Trong năm vừa qua, thị trường nông thôn cho thấy đang lấy lại đà tăng trưởng và được mong đợi sẽ tiếp tục tăng 5-6% trong 2019.
Tại thành thị của 4 thành phố chính, ngành hàng sữa và thực phẩm đóng gói vẫn trì trệ, tuy nhiên, ngành hàng phi thực phẩm vẫn duy trì được tăng trưởng khả quan. Tại nông thôn, bức tranh sáng sủa hơn, hầu hết các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
2018 ghi nhận thêm một năm tăng trưởng mạnh mẽ cho bán lẻ hiện đại. Các kênh mua sắm hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hay online đang phát triển rất nhanh, liên tục mở rộng mạng lưới người mua ở khu vực thành thị. Sự phát triển của bán lẻ hiện đại còn đến từ sự chuyển mình của các kênh bán lẻ quy mô lớn (siêu thị và đại siêu thị) nhờ nỗ lực tận dụng khoảng không gian sẵn có.
Tại nông thôn, ngày càng có nhiều người mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa có không gian lớn hơn cũng như đến trải nghiệm mua sắm tại siêu thị và đại siêu thị.
Thái Hương