Vietstock - Mở cửa bầu trời Đông Nam Á
Các hãng hàng không ở Đông Nam Á đã tăng gấp đôi số ghế ngồi trong thập kỷ qua.
Ảnh: ge.com
|
Các hãng hàng không có tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á, nơi được đánh giá là khu vực hàng không năng động nhất thế giới với hơn 530 triệu ghế ngồi, đang nỗ lực mở rộng đường bay đến các quốc gia láng giềng.
Mở chuyến, tăng ghế
Người dân Việt Nam ngày càng có cơ hội du lịch sang các nước Đông Nam Á nhiều hơn mà không cần phải đến sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng hay Tân Sơn Nhất. Mới đây, AirAsia công bố mở đường bay thẳng từ Cần Thơ đến Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia). Đây đều là những tuyến mà chưa có hãng hàng không nào chen chân vào. Hãng cũng đang khai thác tuyến tương tự, nhưng xuất phát từ thành phố Nha Trang.
Ảnh: Vietjetair.
|
Tính đến nay, AirAsia có 15 đường bay thẳng, kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc, Cần Thơ đến 6 điểm đến tại Malaysia, Thái Lan và Philippines. Tuy nhiên, hãng hàng không chi phí thấp (LCC) nổi tiếng nhất Đông Nam Á này có tham vọng lớn hơn ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh vị trí thống lĩnh thị trường nội địa Malaysia, hãng bay này có 4 công ty con khai thác ở các thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Riêng ở Việt Nam, hiện tại, Hãng vẫn trong quá trình xin giấy phép bay cùng đối tác Thiên Minh Group.
Đây là nỗ lực lần thứ 3 của AirAsia để thiết lập một hãng bay ở thị trường Việt Nam. “Việt Nam là thị trường lớn cuối cùng mà chúng tôi chưa đặt chân”, ông Tony Fernandes, CEO Tập đoàn AirAsia, chia sẻ. Trong khi đó, ở phía ngược lại, các hãng bay nội địa Việt Nam cũng không bỏ qua thị trường khu vực. Thông tin từ phía Indonesia cho biết, Vietjet (HM:VJC) Air sẽ mở đường bay TP.HCM - Denpasar Bali trong tháng 5 tới, đồng thời, mở lại chặng bay thẳng TP.HCM - Jarkatar vốn đã khai trương từ năm 2017. Năm 2015, Vietjet Air cũng đã thử nghiệm với công ty con là Thai Vietjet Air, đặt ở Bangkok.
Thống kê của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) cho thấy thị trường khu vực Đông Nam Á đang thay đổi đáng kể. Các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines nổi lên với đặc điểm là các chuyến bay quốc tế được mở nhiều hơn là nội địa. “Tất cả các LCC có trụ sở tại các thị trường này đã chuyển trọng tâm sang mở rộng quốc tế”, báo cáo của CAPA nhận định. Không chỉ có AirAsia hay Vietjet Air, những tên tuổi lớn trong khu vực Đông Nam Á còn có thể kể đến Lion Air (Indonesia), Cebu Pacific Air (Philippines) hay TigerAir (Singapore).
Để đáp ứng nhu cầu này, các hãng hàng không đều tăng công suất ghế. Đã có gần 300 máy bay được tăng thêm trong 3 năm qua và trong năm nay, con số có thể sẽ là 100 máy bay. Đơn đặt hàng trong thời gian tới là khoảng 1.700 máy bay dành cho các hãng hàng không Đông Nam Á. Trong đó, nhóm AirAsia, Lion và Vietjet chiếm phần lớn và tất cả đều có kế hoạch tăng trưởng hơn nữa vào năm 2019, theo CAPA.
Thống kê cũng cho thấy năng lực bay của hàng không Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, lên 530 triệu ghế vào Đông Nam Á. Phần lớn trong số này thuộc về các LCC với khoảng 200 triệu ghế, nâng tỉ lệ thâm nhập của LCC tại khu vực này lên đến con số 50% vào năm 2018, tức mức 30% cách đây 10 năm.
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Miễn visa, giá vé tốt hơn nhiều cùng với sự tăng trưởng về du lịch đã kích thích nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực Đông Nam Á. Điều này dẫn đến các hãng đua nhau tăng nguồn cung để đáp ứng thị trường, nhưng cũng dẫn đến rủi ro đáng kể.
Bản thân các chuyên gia hàng không cũng nhiều lần cảnh báo về nguồn cung trên thị trường quốc tế. Các tuyến phụ thì đa phần lại có năng suất thấp. Đây cũng là lý do vì sao mà hầu như Vietjet Air, Vietnam Airlines và Jetstar tập trung mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Á (chủ yếu là đường bay Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc) trong vài năm trở lại đây.
Đáng kể trong số này là thị trường Nhật, cả Vietnam Airlines hay Vietjet Air đều đua nhau bắt tay với các đối tác để mở đường bay mới, đón đầu làn sóng du lịch và đầu tư. Điều này dự kiến còn thay đổi khi Việt Nam gia nhập vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan hiện đang rất phát triển, nhưng đồng thời cũng trở nên rất cạnh tranh.
Trong thông cáo mới đây, Vietjet Air cho biết: “Chiến lược phát triển mạng bay quốc tế của Vietjet được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu về ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước”. Tuy nhiên, cạnh tranh cao hơn sẽ dẫn đến lợi nhuận thấp hơn. Trước đó, đại diện hãng cũng nhiều lần cho biết nếu đường bay không có lãi thì Hãng sẽ không khai thác. Ngay cả với các tuyến bay nội địa, các hãng hàng không hiện đã tái cấu trúc lại đường bay khá nhiều trong thời gian qua.
Năm 2018, các hãng hàng không Đông Nam Á trải qua chu kỳ khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao, trong khi mức độ cạnh tranh vẫn diễn ra mạnh mẽ và các hãng đua nhau giảm giá vé. Mặc dù tình hình đã khá hơn vào quý cuối của năm, nhưng mọi chuyện sẽ trở nên tệ hơn khi giá nhiên liệu tăng trở lại.
Một rủi ro khác còn đến từ phí sân bay cao hơn, đang được nâng lên ở nhiều thị trường lớn. Mặt khác, sự chú ý còn đang dồn về phía Trung Quốc khi quốc gia này hiện trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ, mặc dù chưa có tác động ngay đến nhu cầu đi lại.
Với tình hình này, các hãng hàng không sẽ phải chấp nhận giảm lợi nhuận để lấy khách trong bối cảnh số ghế ngày càng tăng lên. “Tăng trưởng dường như gần như chắc chắn sẽ tiếp tục khi thị trường tăng công suất, hứa hẹn duy trì giá vé thấp. Việc giữ cho chi phí thấp sẽ là ưu tiên lớn nhất của các hãng”, báo cáo CAPA kết luận.
Thanh Phong