Vietstock - Lực cản đổi mới giáo dục nếu chỉ có một bộ SGK
Hàng chục triệu học sinh phải học một bộ sách giáo khoa duy nhất trong cả chục năm như lâu nay, sự đồng nhất trong quản lý và dạy học như cách đây nhiều thập niên sẽ là lực cản đối với đổi mới giáo dục.
Nếu chỉ dùng một bộ SGK thì mọi thử nghiệm sư phạm để cải tiến, nâng cao chất lượng SGK gặp nhiều khó khăn. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
“Bỏ hết trứng vào một giỏ”
Chủ trương “có một số sách giáo khoa (SGK) cho mỗi môn học” là một nội dung có tính đột phá của Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chủ trương này có khả năng góp phần giúp giáo dục VN hội nhập với thế giới. Hiện nay không có bất kỳ quốc gia phát triển nào chỉ dùng một bộ SGK duy nhất. Thậm chí một số nước như Anh, Úc... quy định không dùng SGK để giáo viên được chủ động, sáng tạo thiết kế bài dạy đáp ứng nhu cầu và năng lực của người học.
Nếu chỉ có một bộ SGK duy nhất thì có phần rủi ro vì như cách nói của dân gian “bỏ hết tất cả trứng vào một giỏ”. Cứ hình dung hàng chục triệu học sinh phải học một bộ SGK duy nhất trong cả chục năm như lâu nay thì rất khó để đổi mới hoạt động dạy học đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Nếu chỉ dùng một bộ SGK thì mọi thử nghiệm sư phạm để cải tiến, nâng cao chất lượng SGK gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Hiện tượng “tài liệu dạy học thí điểm” trong thời gian qua, nhiều khi kéo dài hàng chục năm, cũng có lý do là không có cơ sở pháp lý để sử dụng nó như SGK.
Tuy vậy, trong bối cảnh VN hiện nay, không nên có quá nhiều SGK vì quả là chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm nhiều bộ sách. Kinh nghiệm của nhiều nước, ngay cả các nước phát triển như Đức, Phần Lan… thì qua cạnh tranh và chọn lọc cuối cùng họ cũng chỉ có vài ba bộ SGK chính.
Khó có bộ SGK do bộ tổ chức biên soạn đúng nghĩa
Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội thì dù thế nào đi nữa cũng sẽ có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn. Cho đến nay, bộ SGK đó vẫn chưa được triển khai.
Đến nay, chúng ta không còn cơ hội để tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ theo đúng nghĩa của nó. Nghĩa là tác giả của bộ sách này phải là tác giả của Bộ, trong khi hiện nay gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn SGK mới đều đã thuộc về các nhóm, biên soạn SGK cho các NXB và tổ chức đầu tư khác nhau. Cho nên việc thành lập một nhóm mới hoàn toàn là điều không thể vì không đủ tác giả có năng lực để soạn một bộ SGK.
Nếu thành lập nhóm tác giả gọi là “của Bộ” từ tác giả của các nhóm khác nhau thì sẽ nảy sinh một số bất cập, như khó có thể nói những tác giả đó không còn ràng buộc lợi ích với các tổ chức mà họ đã ký hợp đồng và đã được đầu tư; việc triển khai một bộ SGK đòi hỏi những kết nối dọc (giữa các cấp trong một môn) và ngang (giữa các môn trong một cấp, lớp); việc “lắp ghép” tác giả của các nhóm chắc hẳn sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng SGK. Đó có thể chỉ là tập hợp SGK các môn, các lớp, chứ không phải là một bộ SGK quốc gia.
Phương án tối ưu để triển khai chủ trương “có một số SGK cho mỗi môn học” là để cho các NXB, các tổ chức tự đầu tư làm SGK và có cơ hội bình đẳng với nhau. Như vậy mới mong có được sự cạnh tranh lành mạnh, tạo được môi trường thuận lợi cho sự phát triển SGK một cách bền vững. Có thể ban đầu có những vấn đề của nó. Nhưng dần dần những vấn đề đó sẽ được khắc phục. Còn nếu dùng tiền vay của nước ngoài để đầu tư cho một bộ SGK mà cách làm không minh bạch và công bằng thì dư luận có thể đặt ra câu hỏi lớn!
Khi xây dựng Nghị quyết 88 đã có nhiều ý kiến băn khoăn về chủ trương có một bộ SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ và cuối cùng đã được thông qua vì lo ngại nếu không có một bộ SGK làm chủ lực thì sẽ không có đủ SGK các môn học, có chất lượng và kịp tiến độ. Nhưng lo ngại đó là không có cơ sở. Khi có lộ trình rõ ràng thì tất cả các NXB đều phải quyết liệt triển khai cho đúng tiến độ. Có cạnh tranh bình đẳng và minh bạch thì tất sẽ có chất lượng. Nếu muốn đủ SGK cho các môn thì Bộ GD-ĐT chỉ cần nêu một số quy định ràng buộc.
Nếu không phải tính toán các phương án làm SGK của Bộ thì chúng ta sẽ không phải mất tiền vay của nước ngoài để làm SGK và tiến độ cũng bảo đảm vì SGK lớp 1 của các nhóm hiện nay đều đã sẵn sàng. Nếu có thể thay đổi một nội dung trong Nghị quyết 88 thì đây mới là nội dung đáng thay đổi nhất.
Các nhóm tác giả đã hoàn thiện SGK để chờ thẩm định
Đối với các NXB và tổ chức đã triển khai việc biên soạn SGK trong thời gian qua thì chắc chắn là việc hoãn thời gian thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Để bảo đảm lộ trình đưa SGK lớp 1 vào năm 2020 được Quốc hội phê duyệt, kế hoạch trước đó là năm 2019, thì tất cả các tổ chức đầu tư làm SGK phải chuẩn bị từ rất sớm và tích cực.
Các nhóm làm sách đều đã gần hoàn thiện SGK lớp 1 để kịp cho việc tổ chức thẩm định, in ấn, phát hành và tập huấn giáo viên vào đầu năm tới. SGK cho các lớp 2, 6, 10 thì nhiều nhóm đã triển khai. Nhiều khoản tiền rất lớn đã được đầu tư. Đặc biệt là nhiều công sức và tâm huyết của hàng ngàn người đã bỏ ra trong hơn một năm qua, chưa kể những chuẩn bị trước đó.
“Lộ trình” là khi nào ? Thường vụ Quốc hội mới đây có nhắc đến ý “trước mắt” và “lộ trình” khi thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Như vậy Thường vụ Quốc hội nêu chủ trương áp dụng một chương trình - một SGK chỉ trong thời gian không dài. Nếu chủ trương này được chính thức hóa bằng văn bản luật thì nên có một hình thức nào đó phù hợp quy định rõ hơn khi nào một chương trình - một số SGK cho mỗi môn học sẽ được áp dụng. Đối với các cơ sở giáo dục thì việc hoãn chủ trương này có thể làm cho một số nhà quản lý và giáo viên cảm thấy “nhàn hơn” nhưng có thể gây hụt hẫng cho nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đang kỳ vọng vào đổi mới. Nếu tình trạng một chương trình, một bộ SGK kéo dài thì việc dạy học, kiểm tra, đánh giá dễ rơi vào tình trạng như cũ. Sự phụ thuộc nhiều vào SGK sẽ ít có thay đổi, khả năng sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh khó có điều kiện phát huy. |
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng
(Nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông)