Vietstock - Hơn 1,7 triệu tỉ đồng đổ vào nông nghiệp
Với lãi suất cho vay tối đa 6%, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn những năm gần đây tăng mạnh khi hàng triệu tỉ đồng đã đổ vào lĩnh vực này.
Nhiều ngân hàng đưa mức lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ 6%/năm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
Lãi suất cho vay tối đa 6%/năm
Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo các ngân hàng (NH) cam kết dành gói tín dụng lớn, lãi suất thấp đối với khách hàng vay vốn lĩnh vực lúa gạo.
Cụ thể Vietcombank (HM:CTG) dành 9.000 tỉ đồng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh lúa gạo trong năm 2019 trong đó giải ngân khoảng 7.000 tỉ đồng trong vụ lúa đông - xuân 2018 - 2019. Thực ra từ tháng 1, lãi suất cho vay nông nghiệp ở Vietcombank đã giảm 0,5%/năm, còn 6%/năm. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cam kết lãi suất cho vay tối đa đối với 5 lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và nông thôn tối đa 6%/năm. NH này cũng cam kết đủ vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có phương án, dự án khả thi.
Cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 70% tổng dư nợ, trong năm 2018 Agribank đã triển khai và thực hiện nhiều chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ, ưu đãi lãi suất, dịch vụ trên toàn quốc với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - ,5%/năm. Nhà băng này cũng đang cho vay các đối tượng ưu tiên (bao gồm lúa gạo) trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 6%/năm. Một số NH còn cam kết tạo điều kiện cho khách hàng vay lĩnh vực lúa gạo nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2018 dư nợ đối với lĩnh vực lúa gạo đạt khoảng 99.000 tỉ đồng, tăng 29.789 tỉ đồng so với cuối năm 2017. Đến cuối tháng 1, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 50% dư nợ cho vay lúa gạo), tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực ĐBSCL những năm gần đây liên tục tăng. Đến ngày 31.12.2018 đạt khoảng 298.301 tỉ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 17,24%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 52% tổng dư nợ cho vay của khu vực, tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng có mức tăng trưởng khá như thủy sản 71.424 tỉ đồng (tăng 13,2%), lúa gạo 47.853 tỉ đồng... Ước đến 31.1.2019, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt trên 300.000 tỉ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2018.
Lãi vay có thể giảm thêm
Lúa gạo là một trong những lĩnh vực cho vay nông nghiệp và nông thôn mà các NH đẩy mạnh thời gian qua. Ngoài ra còn tập trung vào sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản, trong đó tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mà VN có thế mạnh và kim ngạch xuất khẩu cao như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả...
Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn toàn quốc tăng 21,4% so với năm 2017 (tăng cao hơn so với tốc độ tăng tín dụng chung của toàn ngành), đạt khoảng 1,78 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và đến cuối tháng 1.2019 dư nợ tăng 1% so với cuối năm 2018.
Phó giám đốc NH cổ phần có chi nhánh tại Cà Mau cho rằng, để các NH tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì cần có thêm chính sách hỗ trợ.
“Các NH vừa mới trải qua đợt giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2018, xuống còn tối đa 6% cho các đối tượng ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Còn với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có ứng dụng công nghệ cao thì lãi vay ngắn hạn từ 6 - 6,5%/năm; vay trung dài hạn từ 9%/năm trở lên. Lãi suất cho vay này thấp hơn lãi suất cho vay đối với khách hàng bình thường trong hệ thống các nhà băng từ 1 - 3%/năm, vay ngắn hạn từ 9 - 9,5%/năm, vay trung dài hạn từ 11%/năm trở lên. Trong khi đó, lãi suất huy động tiền đồng của NH từ 4,5 - 7%/năm. Nếu tỷ trọng cho vay với lãi suất thấp 6 - 6,5%/năm tăng cao thì NH không lời. Vì vậy, muốn NH giảm thêm thì nhà nước phải có thêm chính sách”, vị này nói.
Không đồng tình với ý kiến này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: Những dự án tốt NH có thể cho vay với lãi suất 4 - 5%/năm được bởi nhìn trên bảng cân đối của một số NH, lãi suất huy động không kỳ hạn hoặc dưới 12 tháng ở mức khá ổn định. Đây là nguồn vốn rẻ mà các NH có thể cho vay theo chu kỳ phù hợp với dòng vốn huy động. Lãi suất tiền đồng trên thị trường hiện nay đang có xu hướng giảm thì khả năng giảm lãi suất cho vay là có thể.
THANH XUÂN