Vietstock - Giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ ảnh hưởng đến lãi suất như thế nào?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây ban hành dự thảo thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm thay thế thông tư. Theo đó nội dung đáng chú ý nhất là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể phải giảm về mức tối đa 30% kể từ mức 40% hiện nay. Câu hỏi đặt ra là mặt bằng lãi suất liệu có ảnh hưởng trước những quy định mới nếu được thông qua?
Tính khả thi?
Cụ thể NHNN đưa ra 2 phương án, theo đó phương án 1 sẽ giảm về tối đa 35% từ ngày 01/7/2020, tiếp đó giảm về 30% từ ngày 01/7/2021; phương án 2 chậm hơn 1 năm khi yêu cầu giảm về 37% từ ngày 01/7/2020, về 34% từ ngày 01/7/2021 và 30% từ ngày 01/7/2022.
Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống cập nhật gần nhất đến 31/1/2019 chỉ ở mức 28.77%, trong đó nhóm NHTM Nhà nước là 31.56% còn nhóm NHTM cổ phần là 32.94%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng với nhau, khi vẫn có những ngân hàng xấp xỉ mức quy định 40% do dư nợ trung dài hạm chiếm tỷ trọng lớn trong khi vẫn phải phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại các ngân hàng vẫn chưa tiến hành chia cổ tức cho cổ đông, do đó phần lợi nhuận giữ lại vẫn đang ở mức cao, giúp tỷ lệ trên ở mức thấp, nhất là khi dư nợ đầu năm cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh. Nếu sắp tới ngân hàng nào phải chia cổ tức bằng tiền mặt thì nguồn vốn trung dài hạn nằm ở vốn chủ sỡ hữu sẽ giảm xuống là tất yếu.
Việc giảm từ 40% xuống 30% theo lộ trình 2-3 năm dù không phải là quá lớn so với quy định trước đây điều chỉnh giảm từ 60% xuống 40% cũng với lộ trình 3 năm, nhưng dĩ nhiên vẫn có những áp lực nhất định lên hoạt động của các ngân hàng lẫn nhóm doanh nghiệp đang còn phụ thuộc vào nguồn vốn vay trung dài hạn từ ngân hàng.
Về cơ bản, nguồn vốn của các ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu ngắn hạn, khi tỷ lệ tiền gửi trung dài hạn tại các ngân hàng chỉ chiếm từ 20-30%, trong đó cũng phổ biến là từ kỳ hạn 12-24 tháng. Chính vì vậy mà thời gian qua các ngân hàng phải không ngừng tăng vốn điều lệ, phát hành giấy tờ có giá dài hạn hoặc tìm đến những khoản vay tài trợ thương mại từ các định chế nước ngoài.
Trong khi đó, dư nợ cho vay trung dài hạn tại các nhà băng chiếm tỷ lệ khá cao từ 40-50% tổng dư nợ, chủ yếu là trong các lĩnh vực cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng, các dự án đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và những dự án BOT, BT,… với kỳ hạn thường trên 3 năm hoặc 5 năm. Rõ ràng việc giảm dư nợ đối với các khoản đang cho vay hiện tại trong một lúc là không thể, do đó để có thể đảm bảo tỷ lệ này đáp ứng theo quy định mới trong thời gian tới sẽ là một thách thức không nhỏ.
Dù vậy, với lộ trình trong 2-3 năm đặt ra theo dự thảo trên, các ngân hàng sẽ có thêm thời gian để cải thiện nguồn vốn trung dài hạn của mình, bằng cách tăng vốn điều lệ, vốn tự có, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá cũng như hạn chế các khoản cho vay trung dài hạn mới. Dĩ nhiên điều này cũng sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận của các nhà băng.
Tác động đến lãi suất?
Trong bối cảnh phải tăng cường huy động vốn trung dài hạn, áp lực lên mặt bằng lãi suất trong ngắn hạn là khó tránh khỏi, không chỉ lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dài mà thậm chí là lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Cũng cần nhớ lại rằng trong 3 năm trở lại đây, trước mỗi giai đoạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm lần lượt từ 60% xuống 50% từ đầu 2017, tiếp đến còn 45% từ đầu 2018 và 40% từ đầu 2019, thì mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thường có xu hướng dâng lên để thu hút thêm nguồn tiền gửi.
Khi thị trường chứng khoán phát triển, trong khi nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các nhà băng dần bị thắt chặt, các doanh nghiệp buộc phải làm quen với việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư dài hạn trên các thị trường vốn thay vì quá phụ thuộc vào ngân hàng, bằng các giải pháp như phát hành trái phiếu, cổ phiếu để tăng vốn hoặc hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. |
Chẳng những vậy, với định hướng tập trung phát triển mảng bán lẻ tại nhiều ngân hàng, trong đó tập trung cho vay tiêu dùng, thì nhu cầu vốn trung dài hạn của các nhà băng luôn ở mức rất cao, do đó cũng thường phải phát hành giấy tờ có giá với kỳ hạn dài và lãi suất hấp dẫn để đáp ứng nguồn vốn.
Tuy nhiên, về lâu dài điều này có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung lẫn mặt bằng lãi suất nói riêng, nếu đi kèm với việc thị trường chứng khoán phát triển theo mục tiêu đề ra. Cụ thể, khi tỷ lệ này giảm dần về mức thấp, chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn đầu vào và cho vay vốn đầu ra của các ngân hàng sẽ giảm xuống, không chỉ giúp nâng cao an toàn trong hoạt động mà với việc ngân hàng ngày càng bị hạn chế ở hoạt động cho vay trung dài hạn cũng giúp giảm căng thẳng lên nguồn vốn huy động.
Thứ hai là khi thị trường chứng khoán phát triển, trong khi nguồn vốn cho vay trung dài hạn của các nhà băng dần bị thắt chặt, các doanh nghiệp buộc phải làm quen với việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư dài hạn trên các thị trường vốn thay vì quá phụ thuộc vào ngân hàng, bằng các giải pháp như phát hành trái phiếu, cổ phiếu để tăng vốn hoặc hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài.
Thực tế thì mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán, nâng quy mô thị trường cũng đã được đặt ra trong Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán hồi cuối tháng 2 đầu năm nay, trong đó mục tiêu đầu tiên là phải đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Theo đó quy mô thị trường cổ phiếu phải đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025.
Như vậy, quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn han cho vay trung dài hạn theo dự thảo thông tư mới cũng phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn. Và trong tương lai, nếu các doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào vốn vay trung dài hạn từ ngân hàng, ngân hàng sẽ giảm áp lực tìm kiếm vốn trung dài hạn, do đó mặt bằng lãi suất đầu vào có thể sẽ ổn định, góp phần giúp mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5% vào năm 2020 theo như Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra.
Phan Thụy