Vietstock - Được hứa tặng 1.000m2 đất, ông Lê Thanh Vân nhiều lần gửi văn bản 'gây sức ép' tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc đã ký 4 văn bản và gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để "can thiệp" giúp 2 doanh nghiệp. Sau đó, ông Vân được biếu 1 lô đất hơn 406 m² ở Hà Nội và được hứa cho thêm 1.000 m² đất dự án.
Doanh nghiệp chi 7 tỷ đồng, qua trung gian "bốc hơi" còn 3,3 tỷ đồng
Bị can Lê Thanh Vân bị truy tố ở khung cao nhất về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Ảnh: Phạm Thắng. |
Viện Kiểm KSND tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố ông Lê Thanh Vân, cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cựu đại biểu Quốc hội khóa XV về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Bị can Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước (bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024), bị truy tố với cùng tội danh.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hạ Long, do ông Nguyễn Công Hoan làm Giám đốc, từng được phê duyệt thực hiện dự án tại khu đất 36 ha. Tuy nhiên, do chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt hoạt động.
Mong muốn tiếp tục thực hiện dự án, vợ ông Hoan đã nhờ hai người trung gian kết nối với Nguyễn Văn Vương, khi đó là chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước để tìm cách giúp đỡ. Bị can Vương đồng ý hỗ trợ nhưng yêu cầu Công ty Hạ Long phải chi 7 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng cần chuyển trước để "lo quan hệ".
Ông Hoan đồng ý và thông qua một người trung gian hai lần đưa tổng cộng 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi qua tay nhiều người, số tiền đến bị can Vương chỉ còn 3,3 tỷ đồng.
Sau khi nhận 3,3 tỷ đồng từ Công ty Hạ Long và được hứa sẽ hưởng 10% diện tích đất của dự án (khoảng 15.000 m²), Vương đã hướng dẫn Công ty Hạ Long soạn thảo đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp, gửi đến Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lưu Bình Nhưỡng.
Vương sau đó trực tiếp gặp ông Lưu Bình Nhưỡng để đề nghị hỗ trợ can thiệp và đã tặng ông Nhưỡng một lô đất rộng 491 m² tại huyện Đông Anh, Hà Nội, trị giá 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, Vương hứa sẽ tặng thêm 1.000 m² đất tại dự án 36 ha sau khi công việc được giải quyết ổn thỏa.
Sau hai lần can thiệp nhưng không đạt kết quả, ông Nhưỡng đã giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV, để nhờ giúp đỡ. Ông Vân đồng ý hỗ trợ.
Hưởng lợi 406m2 đất
Cáo trạng xác định, từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023, ông Vân là đại biểu Quốc hội khóa XIV và XV và là Ủy viên Thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội. Dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và sự việc không thuộc lĩnh vực phụ trách, song ông Vân vẫn thực hiện các hành vi can thiệp trái pháp luật.
Cụ thể, trong các tháng 6, 7, 8, và 12 năm 2020, ông Vân đã ký 4 văn bản gửi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để can thiệp, nhằm giúp Công ty Hạ Long tiếp tục được thực hiện dự án.
Kết quả, ông Vân được hưởng lợi từ một lô đất 406 m², trị giá hơn 1,8 tỷ đồng tại xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và được hứa tặng thêm 1.000 m² đất, trị giá hơn 1,9 tỷ đồng, từ dự án nêu trên.
Ngoài ra, vào tháng 7/2023, ông Vân bị cáo buộc đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để can thiệp, nhằm giúp Công ty Cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn. Sau đó, ông Vân đã nhận 60 triệu đồng.
Viện kiểm sát nhận định ông Lê Thanh Vân thực hiện hành vi 'can thiệp' nhiều lần, cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi với tình tiết tăng nặng "phạm tội hai lần trở lên".
Cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân đã nhờ bị can Vương tìm cách tác động đến các cơ quan có thẩm quyền để Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36 ha nhưng không biết rõ cách Vương nhờ các bị can Nhưỡng và Vân can thiệp, nên không bị xử lý hình sự.
Vẫn theo Viện kiểm sát, do các bị can Nhưỡng và Vân không có thẩm quyền quyết định việc cấp phép, nên hành vi của những người đưa tiền cho hai bị can này không cấu thành tội "Đưa hối lộ”.
Đ.H