Vietstock - Chuyên gia thuế chỉ rõ thiệt thòi người nộp thuế thu nhập cá nhân phải gánh
Trường hợp ngân sách nhà nước bị người nộp thuế chiếm dụng thì người nộp thuế sẽ bị phạt, nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm khi người nộp thuế, doanh nghiệp chậm được trả lại tiền thuế đã nộp thừa, chuyên gia chia sẻ.
Vẫn phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế
Dù ngành thuế đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, mức độ chuyển đổi số ngành thuế của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN, song nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn gặp phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Một số dẫn chứng cụ thể về tình trạng trên được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế nêu tại hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” do Báo Lao Động tổ chức chiều 18/12.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế. Ảnh: Báo Lao Động. |
Bà Cúc cho hay, trong các tháng 1, 2, 3, người lao động có lương rất cao vì có thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch, lúc đó thuế thu nhập cá nhân cao, phải nộp ngay. Những tháng tiếp theo, dù không có thu nhập cao nhưng cũng phải đến tháng 3 của năm tiếp theo thì mới tính được bù trừ khi làm quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp này, tiền của người nộp thuế đã nằm trong ngân sách nhà nước đến hơn 10 tháng.
Bà Cúc tỏ ra băn khoăn trường hợp ngân sách nhà nước bị người nộp thuế chiếm dụng thì người nộp thuế sẽ bị phạt, nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm khi người nộp thuế, doanh nghiệp chậm được trả lại tiền thuế đã nộp thừa.
Một câu chuyện khác được Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế phản ánh: Có hai vợ chồng livestream bán hàng trên TikTok 17 tiếng, bán được 100 tỷ đồng, doanh thu thực sự là 86 tỷ đồng. Ngày tiếp theo bán được 150 tỷ đồng. Nếu không đăng ký thuế, họ sẽ phải nộp thuế từ tiền lương, tiền công, thuế suất từ 5 – 35%. Nếu đăng ký thuế, có thể họ chỉ phải 1,5% (1% thuế giá trị gia tăng và 0,5% thuế thu nhập cá nhân. Họ rất muốn được nộp thuế nhưng không biết nộp thế nào bởi vì không có địa điểm kinh doanh (kinh doanh trên mạng).
“Cần làm thế nào để cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách thuận lợi nhất. Khi đó, tính tuân thủ sẽ cao hơn, giảm hành vi trốn thuế, không chỉ mang lại lợi ích cho người nộp thuế mà còn cả giảm rủi ro cho cơ quan thuế”, bà Cúc khuyến nghị.
Ngoài ra, bà Cúc cũng bày tỏ trăn trở về câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng. Tham gia chuỗi sản xuất có nhiều chủ thể F1, F2, F3, F4, F5… Chẳng hạn doanh nghiệp thu mua gỗ từ các hộ dân trồng rừng rồi bán lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ. Chỉ cần 1 F nào đó có vấn đề về hóa đơn chứng từ, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Cho nên, theo bà Cúc, cần tìm giải pháp hỗ trợ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu con số từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024: Vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Vẫn còn sự rườm rà trong thủ tục hành chính thuế. Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và doanh nghiệp khó dự đoán”, ông Phòng nhận định.
Sẽ ứng dụng AI vào công tác quản lý thuế
Ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay: Năm 2025, ngành thuế sẽ tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế, giảm thiểu những khâu chồng chéo, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế, kịp thời phát hiện, xử lý rủi ro để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Ảnh: Báo Lao Động |
Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), đẩy mạnh ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào công tác quản lý để đánh giá “sức khỏe” của doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội đưa ra các gói chính sách tài khóa hợp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các sắc thuế cho người nộp thuế. Hệ thống Trợ lý ảo (chatbot) đang thí điểm tại Cục Thuế Hà Nội sẽ được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, thông tin thêm về một số điểm nhấn trong công tác cải cách thủ tục hành chính thuế trong năm 2025.
Ngay ngày mai (19/12), Cổng thông tin điện tử dành cho hộ/cá nhân kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số sẽ chính thức triển khai, cho phép hộ/cá nhân thuận lợi hơn trong việc đăng ký, khai, nộp thuế thương mại điện tử. Trước mắt sẽ hỗ trợ hiệu quả cho 500.000 hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.
Quý 1/2025, ngành Thuế sẽ triển khai tự động hóa quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động để giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Tháng 1/2025 sẽ triển khai thí điểm dùng tài khoản định danh của tổ chức để sử dụng các dịch vụ điện tử của cơ quan thuế, trước tháng 7/2025 sẽ triển khai rộng.
Quý 3/2025 ngành Thuế sẽ triển khai sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân.
“Từ năm 2021 đến nay, ngành Thuế đã triển khai đơn giản hoá thủ tục hành chính từ 304 xuống 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, tích hợp 122/235 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia”, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết. |
Bình Minh