Vietstock - Chuyên gia IFC: Để có cơ hội tiếp cận vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần cởi mở thông tin
Theo bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia đến từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), việc hợp tác để chia sẻ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể tiếp cận được vốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Chưa có tổ chức cho vay thương mại
Chia sẻ tại sự kiện “Tăng cường tiếp cận tài chính thông qua chấm điểm tín dụng" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, bà Huyền thừa nhận thị trường cho vay ở Việt Nam hiện nay chiếm lĩnh chủ yếu bởi hệ thống ngân hàng và đang vắng bóng các loại hình tài chính khác như tổ chức cho vay không nhận tiền gửi hay còn gọi là tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Các tổ chức đang thiếu vắng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Lý do là, các công ty có chất lượng tín dụng tốt, ngân hàng sẽ không ngần ngại cho vay, nhưng đối với các trường hợp “xếp hạng 2, hạng 3” thì câu trả lời là “không dễ”.
Để các công ty còn lại có thể tiếp cận vốn, theo lời bà Huyền, cần các tổ chức tín dụng phi tài chính chuyên về cho vay thương mại. Việt Nam dù hiện có hơn 40 ngân hàng, khoảng 16 công ty tài chính tiêu dùng và khoảng 10 công ty cho thuê tài chính nhưng chưa có loại hình cho vay thương mại như vậy.
“Điều này khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó để tiếp cận các khoản vay”, bà nêu quan điểm, đồng thời cho biết tại thị trường Trung Quốc, số lượng các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi có thể lên đến ngàn công ty. Ở các nước phát triển, các công ty kiểu này có thể gấp 10 lần số lượng ngân hàng.
Quy mô các fintech chưa đáp ứng
Liên quan đến nguồn vốn cho vay, bà Huyền cho biết thị trường đang có một số công ty tài chính công nghệ (fintech) nhưng hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chẳng hạn như Funding Socities.
Đồng quan điểm với đại diện một doanh nghiệp có mặt tại hội thảo, chuyên gia cho rằng quy mô triển khai của Funding Socities hiện nay tại Việt Nam đang còn khiêm tốn, dù fintech này từng giải ngân hàng tỷ USD ở khu vực Đông Nam Á. Lý do có thể đến từ việc Funding Socities đang áp đặt mô hình từ nước ngoài, đồng thời chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường Việt Nam, bao gồm khuôn khổ pháp lý, nhu cầu vay, bản chất doanh nghiệp…
Dù vậy, một vài fintech khác đang làm khá tốt, như Validus cho các doanh nghiệp vay trong chuỗi, hay Velotrade – một fintech có công ty mẹ nằm tại Hồng Kông (Trung Quốc) – lại hoạt động khá hiệu quả liên quan đến xuất nhập khẩu.
Ví dụ, với Validus, họ có thể cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa của Bách Hóa Xanh được tiếp cận vốn… nhờ vào chính những hóa đơn, khoản phải thu của những bên cung ứng cho chuỗi siêu thị này hay những hàng hóa đang được đặt trong Bách Hóa Xanh, sẽ trở thành tài sản đảm bảo cho những khoản vay như vậy. Trường hợp Velotrade, họ có thể tài trợ vốn theo hóa đơn, hoặc đơn lẻ hoặc theo lô.
Ngoài ra, một số ngân hàng ở Việt Nam cũng đang làm tốt trong cho vay theo chuỗi cung ứng như HDBank (HM:HDB), VPBank (HM:VPB), TPBank, SeABank hay SHB…
“Doanh nghiệp khi tiếp cận ngân hàng, nên tìm hiểu xem ngân hàng đó có sản phẩm gì và có phù hợp với bản chất kinh doanh của mình hay không. Như vậy sẽ dễ nói chuyện và dễ thuyết phục hơn trong việc vay vốn”, chuyên gia từ IFC khuyến nghị.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tử Kính
|
Cần có bên thứ ba hỗ trợ kiểm soát rủi ro
Tại hội thảo, bà Huyền cho rằng Việt Nam chưa có hệ sinh thái về các sản phẩm cho vay. Mặc dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chính sách, gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tỷ lệ tiếp cận vẫn đang rất hạn chế và thiếu hiệu quả.
Cách làm theo đó cần điều chỉnh lại. Chẳng hạn, các doanh nghiệp không có bất động sản để thế chấp thì cần có chính sách thúc đẩy các ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là các khoản phải thu, hàng hóa… Hơn nữa, thị trường cần có các đơn vị là bên thứ ba giúp ngân hàng đánh giá rủi ro các khoản vay.
“Một ngân hàng có hàng trăm ngàn khoản vay thì không thể có đủ nhân lực để có thể quản lý rủi ro tất cả. Phải có bên thứ ba giúp họ đánh giá rủi ro, chẳng hạn như cách làm của FiinGroup hiện nay, thông qua cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng. Ngân hàng sẽ dựa trên điểm tín dụng này để đưa ra các quyết định cho vay, cũng như mức lãi suất phù hợp”, bà nói.
Đại diện ngân hàng Sacombank (HM:STB) cho biết thêm, ban đầu điểm tín dụng được sử dụng để xem xét và định kỳ sẽ có đánh giá, chấm điểm lại đối với các khoản vay, có thể là trong vòng 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy khoản vay. Điểm tín dụng cũng giúp định chế tài chính này đánh giá lại khách hàng, và dựa vào đó để cung cấp các chính sách ưu đãi.
Theo bà Huyền, việc các ngân hàng sử dụng dịch vụ bên thứ ba cung cấp là cần thiết vì nhiều khi dữ liệu nội bộ của các nhà băng có thể không đủ. Chẳng hạn, ngân hàng không thể có đội ngũ chuyên sâu để làm các báo cáo ngành nhưng một số đơn vị lại có thể cung cấp.
Lấy ví dụ về ngành du lịch cách đây khoảng 3 năm, đã bị ảnh hưởng nặng từ COVID-19, thế nhưng hiện đang dần hồi phục và báo cáo có thể giúp ngân hàng có thêm nhận định về sự phát triển của ngành này trong những năm tới. Do đó, khoản phải thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này sẽ trở nên khả thi hơn trong quá trình đánh giá khả năng cho vay.
Doanh nghiệp cần hợp tác chia sẻ thông tin
Từ phía doanh nghiệp, ngoài minh bạch hồ sơ tài chính, chủ doanh nghiệp cần sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ thông tin. Nếu doanh nghiệp không hợp tác, theo chuyên gia, chất lượng của bảng chấm điểm tín dụng sẽ rất hạn chế; bởi thông tin liên quan đến giao dịch với các đối tác của một doanh nghiệp sẽ không thể dễ dàng để bên khác có được.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hiểu rằng, thông tin của ngân hàng nếu chỉ lấy từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thì vẫn chưa đầy đủ và có thể thiếu sót để có thể đưa ra quyết định cho vay một cách chính xác. Do đó, việc có thêm dữ liệu từ các bên thứ ba sẽ giúp “hình hài” của doanh nghiệp trở nên rõ nét hơn đối với các tổ chức tài chính.
Một điểm nữa, chủ doanh nghiệp cũng cần nắm rõ là mình đang có những tài sản nào có thể thế chấp phục vụ vay vốn; chẳng hạn các loại động sản phục vụ hoạt động kinh doanh như kho hàng, khoản phải thu… để có thể gợi ra trong quá trình làm việc với ngân hàng, tránh trường hợp “ngân hàng nói sao nghe vậy”, sẽ lỡ cơ hội vay được vốn.
Tử Kính