Vietstock - Chính phủ đảm bảo nguồn kinh phí 913.300 tỷ để tăng lương
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Chính phủ đảm bảo được tổng nhu cầu kinh phí tăng lên 913.300 tỷ đồng khi tăng lương cơ sở thêm 30% và các chính sách liên quan.
Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo của Chính phủ lên quan đến các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7.
Hạn chế thấp nhất việc tăng giá khi tăng lương
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thông tin, Đảng, Nhà nước rất muốn đổi mới sâu sắc chính sách tiền lương để người lao động toàn tâm, toàn ý với công việc.
“Trả lương theo vị trí việc làm là tư tưởng rất mới, sẽ phải làm, nhưng ở thời điểm này thì còn rất nhiều bất cập, chưa thể thực hiện được”, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Hoàng Hà |
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Minh Nam cũng thống nhất với báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về quan điểm thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình "từng bước chắc chắn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp khả năng chi trả của ngân sách”.
Về việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), ông Nam cho rằng, mục tiêu tăng lương lần này là cải thiện đời sống cho người hưởng lương. Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát.
“Chính phủ cần có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tăng lương kéo theo tăng giá, làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương”, ông Nam lưu ý.
Đại biểu Nam cũng kiến nghị thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giá liên quan đến kê khai giá, công khai minh bạch thông tin giá để tránh đầu cơ, trục lợi hoặc thực hiện không đúng quy định của giá.
Mặt hàng nào không thể can thiệp bằng các công cụ pháp luật, phải vận hành theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cũng cần phải có chính sách. “Cần phải thanh tra, kiểm tra để kiểm soát việc thực hiện về giá”, ông Nam góp ý.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý việc kiểm soát giá cả khi tăng lương từ 1/7. Bởi vì, nếu không cẩn thận thì tỷ lệ tăng giá lại vượt hơn tỷ lệ tăng lương, từ đó không thể cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên chức.
Hơn 50 triệu người gắn với mức lương cơ sở
Báo cáo thêm với các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội sẽ tác động tới hơn 50 triệu người hiện gắn với mức lương cơ sở. Vì vậy, tổng nguồn kinh phí dùng cho việc này rất lớn.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Hoàng Hà |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, phương án ban đầu thực hiện theo Nghị quyết 27, Chính phủ tính toán tổng nhu cầu kinh phí tăng lương cho 3 năm (2024 – 2026) khoảng 760.000 tỷ đồng, bình quân tăng hơn 20%.
Thế nhưng khi điều chỉnh mức lương cơ sở thì tăng thêm 30%, cùng với 10% tiền thưởng trong tổng quỹ lương cơ bản và các chính sách có liên quan, lúc này tổng nguồn kinh phí tăng lên 913.300 tỷ đồng.
Vì vậy, tới đây, Chính phủ đề xuất bổ sung nguồn cho cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan của năm 2024 và các năm tiếp theo. Nguồn này Chính phủ đảm bảo được.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến nay Chính phủ đã tích lũy được 680.000 tỷ đồng. Hai năm còn lại khi dấu hiệu kinh tế phục hồi tích cực cùng với nhiều giải pháp tăng thu, Chính phủ sẽ nỗ lực đảm bảo các nguồn cải cách tiền lương để thực hiện tổng thể chương trình.
Cùng với đó là kiềm chế lạm phát, bởi hiện nay có tâm lý lo ngại tăng lương thì giá cả tăng lên. “Khi thực hiện điều chỉnh 20,8% năm 2023 có tâm lý như vậy, nhưng thực tiễn CPI tăng không đáng kể, chưa vượt quá ngưỡng quy định của Quốc hội”, Bộ trưởng Nội vụ nói.
Hiện nay, Chính phủ đang cố gắng khống chế lạm phát ở mức 4 - 4,5%. Chính phủ đã lên kịch bản chi tiết, ban hành nghị quyết vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và có nhiều công điện yêu cầu chủ động từ rất sớm. Từ đó, đảm bảo giá trị của tăng lương cho các đối tượng liên quan.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, chặng đường sau năm 2026 phải có giải pháp rất quyết liệt, tiết kiệm chi, tăng thu, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung Nghị quyết 27 để thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ, cụ thể, đầy đủ.
“Đây là phương án tốt nhất có thể, tinh thần chung là tạo tâm trạng hài lòng và cố gắng lan tỏa tinh thần này để tạo động lực cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cao hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và đất nước”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.
Thu Hằng