Vietstock - BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 3
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết dự kiến BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 3-2019.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Mở đầu họp báo về trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) chiều 25-2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay về hướng thu phí sắp tới.
Theo đó, Bộ GTVT và nhà đầu tư thống nhất giải quyết theo phương án 1. Tức giữ nguyên vị trí hiện tại, giảm tối đa cho các xe khu vực quanh trạm thu phí Cai Lậy (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt (tương ứng giảm 57%) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đến 10km.
Ông Nhật cho rằng các dự án BOT mới sẽ được đầu tư hoàn chỉnh hơn. Còn các dự án tồn tại sẽ tiếp tục được xử lý.
Trả lời câu hỏi phóng viên Tuổi Trẻ Online về thời gian thu phí, ông Nguyễn Nhật cho biết Bộ đang nghe ý kiến góp ý tại cuộc họp báo để tổng hợp trình Bộ xác định thời gian cụ thể, nhưng sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất.
Bởi theo ông Nhật thời gian dừng thu phí 1 năm gây nhiều thiệt hại, bản thân chủ đầu tư lỗ hơn 130 tỉ đồng.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy sáng 25-2 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Để kiểm soát phương tiện trong diện miễn giảm trong bán kính 10km, ông Phạm Văn Cường - phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết sẽ làm việc với các địa phương, thông qua hộ khẩu xác lập danh sách, cấp thẻ miễn giảm cho các đối tượng này.
Về công tác an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí BOT Cai Lậy sau khi thu phí trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết nhà đầu tư đã xây dựng kế hoạch thu phí báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang.
UBND tỉnh có trách nhiệm họp với các sở ngành, lực lượng công an phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự.
Bộ GTVT sẽ cố gắng rà soát, xử lý tối đa bất cập trong các dự án BOT để hạn chế xung đột giữa các bên. Nếu xử lý tốt xung đột sẽ hạn chế xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Phát biểu chốt họp báo, ông Phạm Văn Cường - đại diện nhà đầu tư - cũng cho biết áp dụng phương án 1 sẽ hạn chế ảnh hưởng đến việc đầu tư các tuyến tránh khác. Nhà nước không hỗ trợ kinh phí, nhà đầu tư không bổ sung chi phí xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh. Ngoài ra, đây là phương án đảm bảo giao thông, phương án tài chính không thay đổi nhiều.
Điểm đầu tuyến tránh thị xã Cai Lậy tiếp giáp với quốc lộ 1 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
|
Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) được khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1.389 tỉ đồng do Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Trong đó phần tuyến tránh được đầu tư mới hoàn toàn dài khoảng 12km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng và phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5km, vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng.
Sau khi dự án hoàn thành, đầu tháng 8-2017 trạm thu phí BOT Cai Lậy (được đặt hoàn toàn trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) chính thức thu phí hoàn vốn đầu tư dự án.
Thời gian thu phí dự kiến ban đầu 6 năm 5 tháng với mức phí dao động 35.000 đồng - 180.000 đồng tùy từng nhóm xe.
Tuy nhiên, ngay ngày đầu thu phí, trạm BOT này đã vấp phải sự phản đối của giới tài xế và liên tục phải xả trạm.
Đến ngày 16-8-2017, trạm đã giảm mức phí xuống còn mức thấp nhất 25.000 đồng và cao nhất 160.000 đồng.
Việc giảm phí không giải quyết được tình trạng tài xế phản đối trạm bằng việc đưa tiền lẻ để kéo dài thời gian đi qua trạm, gây kẹt xe nên BOT Cai Lậy phải tạm ngưng thu phí 3 tháng để tính toán lại.
Giới tài xế cho rằng trạm thu phí "đặt sai vị trí" chứ vấn đề không phải nằm ở mức phí nên sáng 30-11-2017 ngay sau khi thu phí trở lại, tình trạng diễn ra y như cũ, vẫn tiếp tục điệp khúc kẹt xe - xả trạm.
Đến đầu tháng 12-2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm ngưng thu phí cho đến nay.
Sau nhiều cuộc họp bàn với nhiều cơ quan hữu quan, 5 phương án giải quyết được đưa ra nhưng sau đó Bộ GTVT gom lại thành 2 phương án:
Phương án 1: giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm.
Theo đó, các xe nhóm 1 (4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận.
Đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Miễn phí các loại xe buýt và các loại xe không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại xe sử dụng để kinh doanh.
Với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.
Phương án 2: Lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó, trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu 25.000 đồng/lượt với các phương tiện nhóm 1.
Ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng. Tuy nhiên, phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới khoảng 90 tỉ đồng, địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng để làm trạm.
Đồng thời dẫn đến tình trạng xe cộ tập trung đi trên quốc lộ 1 do mức giá trên quốc lộ 1 thấp hơn tuyến tránh, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.
Trong cuộc làm việc giữa Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang cách đây đúng 1 tháng, ông Nguyễn Xuân Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết cục đã chỉ đạo nhà đầu tư các công tác chuẩn bị thu phí trở lại. Theo đó, việc thu phí sẽ theo phương án 1 và có những điều chỉnh. Cụ thể, việc giảm giá, các bên thống nhất mức giảm phí đối với loại xe nhóm 1 (dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng. Ngoài ra, giảm giá từ 4 xã lên 8 xã lân cận, với phạm vi 10km xung quanh trạm (trước đây 4km). Cùng với việc giảm phí, thời gian thu phí sẽ kéo dài từ 7 năm lên khoảng 15 năm 9 tháng. |
M.TRƯỜNG - Q. KHẢI - T.DUNG - TH.TÚ