Vietstock - Bất ngờ nhập siêu đến 1 tỉ USD
Vừa mới tổng kết kỷ lục xuất siêu gần 7,2 tỉ USD trong năm 2018 thì chỉ trong 15 ngày đầu năm mới 2019, VN đã thâm hụt gần 1 tỉ USD.
Ngoài máy móc, ô tô được coi là một tác nhân khiến nhập siêu tăng trong nửa tháng đầu năm 2019.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Số liệu từ Tổng cục Hải quan trong báo cáo kỳ đầu tiên của năm về hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy, trong nửa đầu tháng 1, tổng giá trị xuất khẩu cả nước đạt 9,2 tỉ USD, nhập khẩu cao hơn 1 tỉ USD, đạt 10,2 tỉ USD.
Xuất hay nhập siêu đều phụ thuộc khối FDI
Lý giải về việc VN bất ngờ nhập siêu đến cả tỉ USD chỉ trong vòng 15 ngày, đại diện Phòng Thuế xuất khẩu - Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, có thể do lượng ô tô nhập trong nửa tháng đầu năm tăng mạnh khiến cán cân thương mại chênh lệch cao. Cụ thể, trong 15 ngày đầu năm, cả nước đã nhập 6.362 ô tô, trị giá đạt gần 158 triệu USD. Ngoài ra, có 2 nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cũng trong thời gian này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch đạt lần lượt 1,821 tỉ USD và 1,613 tỉ USD.
Tuy nhiên, vị này bổ sung, thông thường trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu thường có một số biến động. Chẳng hạn, xuất khẩu giảm và nhường cho nhập khẩu tăng lên, mục đích phục vụ hàng hóa dịp tết hoặc tăng nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu trong chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sau tết.
Theo thống kê, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện thoại và linh kiện, máy vi tính... vẫn đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên.
Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực những năm qua của VN là điện thoại thì xuất khẩu trong nửa tháng đầu năm giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 1,293 tỉ USD trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 2,1 tỉ USD.
Như vậy, riêng xuất khẩu điện thoại đã bị sụt giảm đến hơn 800 triệu USD, tương đương hơn 39% kim ngạch của mặt hàng này. Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm. Xuất khẩu nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm khoảng 50 triệu USD.
Năm 2018 chúng ta xuất siêu 7,2 tỉ USD, song khu vực kinh tế trong nước nhập siêu đến 25,6 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 33 tỉ USD. Còn con số 1 tỉ USD nhập siêu nói trên cũng do doanh nghiệp (DN) FDI giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu. Rõ ràng, do lệ thuộc vào khu vực FDI nên khi khối này “hắt hơi” thì cán cân thương mại của chúng ta ngay lập tức bị “sổ mũi”.
Tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP để thay đổi
Theo thống kê, năm 2018, khu vực DN FDI đã tạo ra mức lợi nhuận rất lớn, chiếm 48% tổng lợi nhuận toàn bộ khu vực DN trong nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định: “Chúng ta chưa thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều lệ thuộc và điều này chứng tỏ nội lực của chúng ta chưa phát triển đúng thực chất và yêu cầu của nền kinh tế hội nhập. Nhìn vào bảng thống kê hàng nhập khẩu cho thấy, chúng ta đang nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu từ các nước ngoại khối tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Trung Quốc. Con số nhập siêu cảnh báo trong tương lai, nếu tiếp tục phụ thuộc vào khu vực FDI, chúng ta khó tận dụng hết ưu thế của mình trong CPTPP, khi vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay bà lo ngại về thành tích xuất khẩu mà VN hay nói đến.
“Tôi rất sợ nói về thành tích xuất siêu trong khi thành tích đó nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài”, bà nói và cho rằng, chuyện nhập siêu tăng do xuất khẩu của DN khối FDI giảm là câu chuyện không mới, nhưng mỗi khi nó không được thay đổi đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu thì việc tận dụng thuế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do sẽ không mang lại hiệu quả cao như mong đợi.
Bà Lan nhận xét: “Giải pháp duy nhất là cần có các chính sách sát sườn, đồng hành với sự nỗ lực “tự lực tự cường” của DN trong nước chứ không thể phụ thuộc nhập khẩu mãi được”.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ Công thương mới đây, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng báo cáo năm 2019 có thể nhập siêu khoảng 3 tỉ USD. Không đồng ý với kế hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Năm 2018 chúng ta đã xuất siêu đến mức độ như vậy mà năm nay quay lại nhập siêu khoảng 2% là mức không thể chấp nhận”. |
Nguyên Nga