Vietstock - Thành công xưởng mới của thế giới, VN cần làm gì tiếp theo?
"VN đã là công xưởng lớn của thế giới, là điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu".
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động, khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics VN tại Bắc Ninh - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI
|
Tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) VN thường niên 2018 diễn ra ở Hà Nội ngày 4-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như trên trước cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đối tác xứng tầm với các tập đoàn lớn
Thủ tướng cho rằng sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu VN như Samsung, Intel, Canon, Toyota, Honda... và hàng nghìn DN FDI khác đang đầu tư tại VN là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của VN.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều DN tư nhân trong nước cho thấy hoàn toàn có thể ươm mầm nên các DN lớn, tầm cỡ, có năng lực cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế. Nhiều tập đoàn trong nước là thành viên của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) như FPT, Viettel, VNPT, Vietcombank (HM:CTG), Hòa Phát, VietJet Air...
Hiện ngày càng nhiều sản phẩm của VN xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu thế giới, VN đã có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị hơn 1 tỉ USD. Nhiều mặt hàng nông sản giữ vị trí tốp đầu tiên trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cá ba sa, tôm, cao su. Chỉ trong 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động của VN đạt 46,1 tỉ USD, gạo đạt 2,9 tỉ USD, dệt may đạt gần 27 tỉ USD (9 tháng).
Phải lên nấc thang giá trị cao hơn
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình VN là công xưởng của thế giới, tuy nhiên cho rằng cần làm nhiều việc để tiến lên nấc thang giá trị cao hơn.
Theo TS Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright VN, nhìn ở góc độ cận ngành, VN đang là công xưởng thế giới về điện thoại di động, dệt may, trồng và chế biến cà phê, lúa gạo, cá ba sa... Những ngành này VN đang chiếm thị phần lớn trên bản đồ xuất khẩu của thế giới.
"Về triển vọng các ngành khác có thể trở thành công xưởng mới của thế giới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cách đây vài năm không ai kỳ vọng ngành sản xuất, lắp ráp điện thoại trở thành công xưởng thế giới. Nhưng Samsung xuất hiện, VN đã thành công xưởng điện thoại của thế giới" - TS Huỳnh Thế Du nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này phân tích thêm VN không thể là công xưởng của thế giới giống như Trung Quốc, vì ngành gì họ cũng chiếm một tỉ trọng xuất khẩu cực kỳ lớn. Thị phần của Trung Quốc rất lớn nhưng xét ở góc độ cận ngành, một số ngành sản xuất của VN đang là công xưởng của thế giới rồi. Còn nhìn vào quy mô xuất khẩu khoảng 200 tỉ USD thì chưa thể là công xưởng lớn toàn cầu.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - thành viên hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, khi VN hình thành chuỗi sản xuất cung ứng để phục vụ xuất khẩu thì được gọi là công xưởng của thế giới. Thực tế VN có nhiều ngành có thế mạnh xuất khẩu trên thế giới. Và với việc VN tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ mở cao, sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến VN, và VN có nhiều khả năng sẽ có thêm những ngành hàng xuất khẩu đóng vai trò là công xưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng điều quan trọng phải nâng cao được giá trị gia tăng của VN trong các chuỗi sản xuất, cung ứng. Muốn vậy, không có cách nào khác phải hỗ trợ công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Nhiều năm nay công nghiệp phụ trợ trong nước không bứt lên được, vì thế không đáp ứng được yêu cầu cung cấp linh kiện, thiết bị đầu vào cho các tập đoàn lớn như Toyota, Honda... và như vậy đã có những cơ hội bị bỏ qua.
Cùng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du cho rằng vấn đề của VN là phải leo lên được nấc thang giá trị cao hơn, chẳng hạn như ngành da giày của VN bao nhiêu năm nay vẫn dừng ở mức gia công. Hay Tập đoàn Intel đầu tư vào VN cơ bản vẫn dừng ở việc lắp ráp con chip. Giá trị gia tăng là thứ cuối cùng để đánh giá hiệu quả, chứ quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu cơ bản là vẻ bề ngoài.
"Tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung"
1/3 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đã di dời hoặc đang cân nhắc chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Nhiều DN từ các quốc gia khác cũng đang cân nhắc rời Trung Quốc và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của các DN này. VN đang có lợi từ xu hướng trên, tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn, mà để duy trì đầu tư đã có tại VN. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật gồm thuế suất và chính sách đang là những rủi ro đáng kể với nhà đầu tư. Đôi khi những thay đổi làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép. Vì vậy Chính phủ nên xem xét sớm hướng dẫn việc bảo vệ đầu tư để ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực. MICHAEL KELLY |
Ghi chép không sót ý kiến nào... Đại diện cho cộng đồng DN châu Âu tại VN, ông Nicolas Audier - chủ tịch EuroCham - nhắc đến 2 vấn đề quan trọng cần giải quyết để giúp VN có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn. Đó là tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến cần được xử lý nghiêm ngặt, và đánh giá rộng hơn tác động của Luật an ninh mạng tới đầu tư trực tiếp nước ngoài và nền kinh tế. Ghi nhận ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông đã ghi chép không sót một ý kiến nào và giao cho bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp, báo cáo để chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp thu, xem xét. Lắng nghe nhiều ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành đưa các vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu sổ tay điều hành công việc. |
ĐẶNG TUÂN