Vietstock - Đại biểu Quốc hội lo khi vốn Trung Quốc vào Việt Nam kỷ lục
Các đại biểu cho rằng, không nên ưu đãi quá nhiều cho khối FDI, khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh.
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 22/5, ông Nguyễn Văn Chương (TP HCM (HM:HCM)) nêu quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Theo đại biểu TP HCM, Việt Nam đón đầu tư nước ngoài phải chọn lọc chứ không phải "nhắm mắt tiếp nhận". "Chúng ta cần đề phòng họ đưa những công nghệ đã lỗi thời vào", ông lưu ý. Theo ông, chính sách thu hút đầu tư cần xem lại để không ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp FDI, khiến các công ty trong nước khó cạnh tranh, không thể vươn lên.
Chia sẻ với ông Nguyễn Văn Chương, ông Trần Hoàng Ngân (Đại biểu TP HCM) đặt vấn đề, Việt Nam cần đặt ra hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI. "Liệu chúng ta có kiểm soát được đầu tư để đảm bảo chọn các nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo tránh bài học môi trường Formosa" đại biểu TP HCM nêu.
Ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu TP HCM. Ảnh: PV
|
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, xu hướng hiện nay là các nhà đầu tư đang chuyển khỏi Trung Quốc và Việt Nam có thể là một điểm đến của các nhà đầu tư này. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để thu hút được nguồn đầu tư chất lượng, tham gia đúng chuỗi giá trị xuất khẩu sang các nước, tránh bị tuồn vào công nghệ lạc hậu, không có giá trị, gây khó khăn về sau.
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, Việt Nam được xem như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Dòng vốn từ nước láng giềng rót vào Việt Nam không ngừng tăng lên. Số liệu được VDSC dẫn chứng, vốn FDI từ Trung Quốc đăng ký ghi nhận tăng trưởng gần 15% một năm kể từ 2016. Riêng 4 tháng 2019 lượng vốn đăng ký đã đạt 70% năm 2018.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần có ngay kịch bản ứng phó trước những biến đổi địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết điểm dừng và sẽ tác động tới Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Ngân phân tích, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có lợi, nhưng cũng có khó khăn, thách thức. Lợi là Việt Nam xuất sang Mỹ 47,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang xuất siêu gần 35 tỷ USD sang Mỹ năm 2018, và nằm trong danh sách xuất siêu vào Mỹ nhiều nhất. "Mỹ cũng đang quan tâm tới Việt Nam chứ không riêng Trung Quốc", ông Ngân nhận xét.
Bên cạnh đó, khi chiến tranh thương mại căng thẳng, giải pháp ứng phó của Trung Quốc là phá giá đồng NDT, khoảng 9%. Động thái này khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ đi, dễ dẫn tới hàng hóa của họ tràn vào Việt Nam.
"Chúng ta đã nhập siêu từ Trung Quốc 23 tỷ USD và có thể sắp phải nhập siêu nhiều hơn nữa. Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để ứng phó hay không? Nếu phá giá thì sẽ phá vỡ ổn định vĩ mô, mất niềm tin vào chính sách tiền tệ. Do đó, chính sách phải rất khôn khéo và linh động", ông Ngân nói.
Trong khi đó, ông Bùi Thanh Sơn nhận định, chiến tranh thương mại về ngắn hạn có lợi cho Việt Nam chứ không phải hoàn toàn bất lợi. Song về lâu dài cuộc chiến này sẽ tác động lớn tới Việt Nam khi tổng cầu thương mại của thế giới giảm sút.
Thứ trưởng Ngoại giao kiến nghị Chính phủ cần sớm có đối sách, biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trước chiến tranh thương mại để tận dụng ưu thế ngắn hạn, tăng xuất khẩu nhưng đảm bảo tránh bị đưa vào danh sách xuất siêu. "Cái này rất khó khăn nhưng cần phải làm và có thể làm được".
Anh Minh