Theo Dong Nghi
Investing.com - Việt Nam đang đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất chip, mục tiêu thúc đẩy đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất chip tại đây, theo Reuters. Theo các quan chức ngành công nghệ Mỹ, việc theo đuổi lĩnh vực sản xuất chip đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Việt Nam hiện nhận được sự quan tâm lớn từ các công ty sản xuất chip. Đât là nơi đặt nhà máy đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn lớn nhất thế giới của Intel (NASDAQ:INTC). Một số công ty phần mềm thiết kế chip cũng đặt trụ sở tại đây.
Việt Nam đang thực hiện chiến lược thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn, trong đó ưu tiên các xưởng đúc - nơi sản xuất chip.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực kiêm Trưởng đại diện Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết những tuần gần đây đã tổ chức các cuộc họp với khoảng 6 nhà sản xuất chip của Mỹ. Ông từ chối nêu tên các công ty này vì đàm phán vẫn đang trong vòng sơ bộ.
Một CEO công ty chip, cho biết đã có các cuộc đàm phán với những nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm GlobalFoundries - một trong ba hãng gia công chip lớn nhất thế giới và TSMC của Đài Loan (Trung Quốc). Vị giám đốc điều hành này cho biết thêm, mục đích cuối cùng của các cuộc gặp gỡ này là xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, có khả năng chế tạo các chip được sử dụng trong ô tô hoặc ứng dụng trong viễn thông.
Động thái diễn ra sau khi Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ ngoại giao chính thức lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua. Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội và Nhà Trắng gọi Việt Nam là “đối tác quan trọng” tiềm năng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Tập đoàn GlobalFoundries đã tham dự một diễn đàn doanh nghiệp tổ chức trong chuyến thăm của ông Biden, sau lời mời của chính Tổng thống. Công ty này không cho thấy ý định sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian ngắn. Phía GlobalFoundries cho biết họ không bình luận về tin đồn trên thị trường. TSMC cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Trong khi đó, các quan chức ngành công nghiệp cho biết các cuộc họp ở giai đoạn này chủ yếu để thăm dò sự quan tâm và thảo luận về các ưu đãi, hỗ trợ tiềm năng, bao gồm cả nguồn cung điện, cơ sở hạn tầng và nguồn lao động được đào tạo.
Chính phủ mong muốn nhà máy sản xuất chip đầu tiên sẽ đi vào hoạt động tại Việt Nam trong thập kỷ này, đồng thời khẳng định các công ty chip sẽ được hưởng “các ưu đãi cao nhất hiện có”.
Một nguồn tin cho biết Việt Nam cũng có thể hậu thuẫn cho các công ty trong nước, chẳng hạn như Tập đoàn Viettel nhằm xây dựng các nhà máy sản xuất chip với thiết bị máy móc nhập khẩu. Viettel không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Ông Robert Li, Phó Chủ tịch Synopsys – một công ty thiết kế chip hàng đầu của Mỹ đang hiện diện tại Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên cân nhắc kỹ trước khi rót tiền trợ cấp để xây dựng các nhà máy sản xuất chip. Phát biểu tại "Hội nghị Bán dẫn Việt Nam" tại Hà Nội vào cuối tuần trước, ông Robert Li cho biết việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh về trợ cấp với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.
Tương tự, cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Bán dẫn Mỹ, ông John Neuffer, cũng khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào lĩnh vực sản xuất chip mà Việt Nam có thế mạnh từ trước, chẳng hạn lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip.