Investing.com -- Để xử lý lượng lệnh rất lớn và câu chuyện prefunding thì cơ chế Đối tác thanh toán trung tâm là yếu tố cần thiết rất rõ cho việc nâng hạng thị trường.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% hệ thống thanh toán trên toàn cầu đã áp dụng cơ chế Đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán.
CCP có thể hiểu là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch trở thành người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán. Với vai trò người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán, CCP xen vào giao dịch giữa các bên thông qua cơ chế thế vị. Thế vị tham chiếu tới một hành động pháp lý về thay thế hợp đồng gốc giữa người mua và người bán bằng một hợp đồng mới giữa người mua và CCP, và một hợp đồng mới khác giữa người bán và CCP.
Với cơ chế này, CCP đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của nó.
Trên thị trường chứng khoán, do vai trò là người bán của tất cả các người mua và là người mua của tất cả các người bán, trong một số trường hợp CCP là tổ chức độc lập thực hiện chức năng bù trừ, tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác như ở Mỹ, khu vực Đông Âu, Euro và một số thị trường phát triển khác, CCP đảm nhiệm cả chức năng thanh toán của thị trường.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức FTSE Russell, một trong những tiêu chí thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được để được nâng hạng lên thị trường mới nổi là Chu kỳ thanh toán (DvP), hiện được xếp là hạn chế.
Nhận định về tính cấp thiết của cơ chế CCP, ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia chứng khoán cho rằng không có CCP thì thị trường chứng khoán Việt Nam rất khó tiến tới bước nâng hạng thị trường. Cơ chế giao dịch CCP gần như nâng cấp lên giai đoạn mới, đồng nghĩa với việc giảm rủi ro và tăng hiệu quả của việc thanh toán bù trừ lên mức cao mới.
Trong giai đoạn thị trường tài chính phát triển đến mức cao, các giao dịch diễn ra liên tục, hằng ngày với tần suất càng lớn thì không có CCP ở giữa khiến việc thanh toán bù trừ gặp khó khăn. Cơ chế CCP là cơ chế thế vị, thay vì người bán và mua gặp nhau trực tiếp thông qua sàn giao dịch thì CCP đứng ra làm đơn vị trung gian, làm người mua của tất cả người bán và người bán của tất cả người mua. Chính cơ chế thế vị này giúp CCP giải quyết được khối lượng công việc lớn hơn.
Trước đây, chúng ta không cần CCP nhiều bởi vì chúng ta không có những sản phẩm tài chính mang tính chất mới có khối lượng giao dịch khổng lồ, như phái sinh là ví dụ.
Cơ chế CCP quan trọng trong prefunding bởi thành viên bù trừ có trách nhiệm xác nhận mức lưu ký của người mua và người bán trước khi giao dịch. Việc xác nhận nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100%, công ty chứng khoán - thành viên bù trừ cũng đứng ra bảo lãnh.
Thông qua CCP rút ngắn yếu tố cản trở nâng hạng là cho nhà đầu tư nước ngoài đủ cơ sở pháp lý để giao dịch giao dịch T+2 không cần ký quỹ trước; đồng thời cũng giảm thiểu rủi ro khi mà có những giao dịch không thành công nhưng vẫn xử lý được một cách đơn giản.
Mô hình CCP đã được áp dụng trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư mở tài khoản ở công ty chứng khoán thành viên và chuyển tiền từ tài khoản công ty chứng khoán sang tài khoản bù trừ tại VSD. Tại VSD, nhà đầu tư có thể đặt lệnh long, short với tần suất dày đặc nhưng cuối ngày VSD xác nhận lệnh và tính toán bù trừ bao nhiêu. Để xử lý lượng lệnh rất lớn và câu chuyện Prefunding thì CCP là yếu tố cần thiết rất rõ cho việc nâng hạng thị trường.
"Như vậy, chỉ mình Thông tư 68 rõ ràng là đúng nhưng chưa đủ. Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch không cần ký quỹ nhưng chỉ áp dụng cho một số công ty chứng khoán thuộc top đầu. Khi mà thị trường chứng khoán được nâng hạng thì tần suất giao dịch càng lớn. Nhờ CCP mà chúng ta có thể hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả xử lý lệnh", ông Sơn nói.
Đối với việc thu hút dòng vốn ngoại, theo ông Sơn, nhà đầu tư nên dự phòng kịch bản ông Trump nhậm chức vào tháng 1 và ảnh hưởng về thuế quan có thể bắt đầu vào đầu năm 2025, những thông tin này có thể được phản ứng sớm vào tháng 11 và 12. Theo đó, trong quý IV này sẽ có 1 vùng trũng do ảnh hưởng từ thông tin diễn biến bán ròng của khối ngoại để nhà đầu tư quay trở lại mua cổ phiếu cho cơ hội ngắn hạn, đón nhận nhịp hồi.
Tạm thời áp lực rút ròng trên kênh ETF có dấu hiệu chững lại là tín hiệu tích cực. Kênh ETF phản ứng nhanh và mạnh trước dòng vốn quốc tế bởi khi mà các quỹ muốn rút vốn thì đưa ra yêu cầu cho nhà quản lý quỹ ETF và buộc các quỹ ETF phải bán ròng trên thị trường đó.
Việc mua ròng lại sẽ diễn ra thời gian tới chứ không phải hiện tại. Bởi USD vẫn neo ở mức cao, dòng tiền vẫn đang dịch chuyển sang chứng khoán Mỹ hay tiền số. Để dòng vốn chuyển từ âm sang dương thì cần hiệu ứng Trump qua đi và hiệu suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt.