Vietstock - Dầu chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong 9 tháng
Giá dầu khép lại tuần giảm mạnh nhất trong hơn 9 tháng với một phiên đỏ lửa khác vào ngày thứ Sáu (20/8), khi nhà đầu tư bán các hợp đồng tương lai với dự báo nhu cầu nhiên liệu thế giới suy yếu do sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19.
Thị trường dầu thô hiện đã giảm 7 phiên liên tiếp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng phó với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta bằng cách áp thêm các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm nghiêm ngặt hơn tại các cảng biển, dẫn đến tắc nghẽn, các quốc gia gồm Australia đã tăng cường các lệnh hạn chế đi lại, và nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu đang giảm bớt sau khi cải thiện trong phần lớn thời gian mùa hè.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLP, nhận định: “Rất khó để giá dầu tìm thấy hỗ trợ với tình hình không chắc chắn này”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1.27 USD (tương đương 1.9%) xuống 65.18 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Hợp đồng này đã sụt 8% trong tuần qua.
Hợp đồng dầu WTI mất 1.37 USD (tương đương 2.2%) còn 62.32 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên hơn 9%.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các lệnh hạn chế mới với chính sách Covid-19 “không khoan nhượng”, điều này đang ảnh hưởng đến vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc cũng đã đưa ra những hạn chế về năng lực bay.
Một số công ty Mỹ đã hoãn kế hoạch quay trở lại làm việc tại văn phòng. Apple Inc (NASDAQ:AAPL), công ty lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị thị trường, đang hoãn việc đưa công nhân trở lại cho đến đầu năm 2022, theo Bloomberg đưa tin.
Đồng USD đã tiến lên đỉnh 9 tháng nhờ tín hiệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét giảm bớt các biện pháp kích thích trong năm nay. Giá dầu thường giao dịch ngược chiều với đồng USD, vì đồng tiền này làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài khi đồng bạc xanh tăng giá.
Trong khi biến thể Delta ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu, nguồn cung đang tăng ổn định. Dữ liệu từ Baker Hughes cho biết sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 11.4 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất và các công ty khai thác đã bổ sung thêm giàn khoan dầu tuần thứ 3 liên tiếp.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang chậm rãi gia tăng nguồn cung, vốn đã bị cắt giảm từ đầu đại dịch Covid-19.
“Thị trường dầu đã nhanh chóng nhận thấy rằng biến thể Delta là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng và có khả năng là một rào cản đối với sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu/đi lại”, Francisco Blanch, Chiến lược gia phái sinh và hàng hóa tại Bank of America, chia sẻ.
An Trần (Theo CNBC)