Vietstock - GEG - Canh mua nếu giá về lại vùng 13,500-15,500
Những năm gần đây, việc đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) là một trong những doanh nghiệp có nhiều dự án đáng chú ý.
Điện mặt trời dẫn đầu xu thế trong tương lai
Theo Báo cáo World Energy Outlook 2020 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo, dẫn đầu là năng lượng mặt trời, có thể đóng góp 80% tăng trưởng trong sản xuất điện thập kỷ tới. Trong giai đoạn 2019-2030, công suất điện mặt trời sẽ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm.
Trong năm 2020, nhu cầu ước tính của các nguồn năng lượng như than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên… đều sụt giảm nhưng vẫn tăng trưởng 0.9% đối với năng lượng tái tạo. Đây là một xu hướng của thời đại.
So sánh nhu cầu năng lượng và phát thải CO2 giữa năm 2020 và 2019
Nguồn: World Energy Outlook 2020, IEA
Theo Tổ chức Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA), chi phí tạo ra điện từ pin năng lượng mặt trời quy mô lớn đã giảm từ 38 cent/Kwh xuống dưới 7 cent/Kwh trong vòng 10 năm qua.
Với sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5,700 MW đã cơ bản được giải tỏa hết công suất (bao gồm cả các dự án vận hành trước 30/06/2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020).
Tính đến cuối tháng 08/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23,000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11,200 MW; điện gió khoảng 11,800 MW.
Đến nay, toàn quốc đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6,314 MWp (tương đương 5,245MWac). Trong đó, chỉ riêng trong quý 2/2019 có gần 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4,000 MWp được đưa vào vận hành. Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành Điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay.
Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Nguồn: GEG
Kết quả kinh doanh ổn định nhưng nợ vay vẫn nằm ở mức cao
Giai đoạn 2016-2018, kết quả kinh doanh của GEG tăng trưởng khá ổn định (lợi nhuận ròng năm 2018 sụt giảm nhẹ). Năm 2019, GEG đạt doanh thu thuần 1,159 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu đã dịch chuyển từ việc giảm dần sự phụ thuộc vào thủy điện (80% năm 2018 xuống còn 33% năm 2019), tăng tỷ trọng điện mặt trời (từ 7% năm 2018 lên 58% năm 2019).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GEG ghi nhận doanh thu thuần tăng 19.13% so với cùng kỳ, đạt 959 tỷ đồng. Ngược lại, lãi ròng giảm nhẹ 4.30% so với cùng kỳ, xuống còn 178 tỷ đồng.
Chí phí tài chính đang có xu hướng tăng mạnh, với chi phí tài chính tăng lên 279 tỷ đồng trong 9 tháng năm nay so với 169 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tỷ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu (DER) của GEG cũng tăng mạnh từ 63.4% năm 2018 lên 151.06% năm 2019. Tại thời điểm ngày 30/9/2020, DER của GEG là 148.21%. Tăng trưởng bằng đòn bẩy có thể ảnh hưởng GEG trong trường hợp điều kiện bất thường xảy ra. Điều này có thể khiến GEG gặp áp lực về chi trả lãi vay cũng như tất toán các khoản nợ trong tương lai.
Nguồn: VietstockFinance
Điện gió và điện mặt trời là động lực tăng trưởng trong dài hạn
Trong năm 2019, GEG đã đưa vào vận hành 3 dự án Đức Huệ 1, Hàm Phú 2 trong tháng 05 và đặc biệt là Trúc Sơn trong tháng 06 sau 2 dự án Phong Điền và Krông Pa đã đóng điện vào cuối năm 2018, đưa tổng số nhà máy điện mặt trời của GEG lên con số 5 với tổng công suất 260 MWp.
Vào tháng 11/2019, GEG chính thức mở rộng danh mục sang lĩnh vực điện gió khi mua lại 90% vốn của CTCP Năng lượng VPL - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre. Công suất 70 MW chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến vận hành vào tháng 11/2021 với công suất 30 MW.
Đầu tháng 08/2020, Hội đồng quản trị GEG đã phê duyệt chủ trương đầu tư vào 2 dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và nhà máy điện gió IA Bang 1, với quy mô công suất dự kiến lần lượt là 100 MW và 50 MW. Công ty sẽ tập trung vào các dự án điện gió để kịp tiến độ hoàn thành trước ngày 01/11/2021 nhằm hướng tới biểu giá cố định ưu đãi.
Nguồn: GEG
Định hướng đến năm 2025, GEG sẽ hoàn thiện tối đa chuỗi giá trị ngành điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với danh mục đầu tư đa dạng từ thủy điện, điện mặt trời, điện gió, áp mái và điện mặt trời nổi.
Nguồn: GEG
Chiến lược đầu tư
Chỉ báo Relative Strength đã vượt lên trên đường EMA 20 ngày. Điều này chứng tỏ cổ phiếu đang mạnh hơn thị trường chung (outperform). Chỉ báo MACD đã vượt lên trên ngưỡng 0, qua đó cho thấy tình hình hiện tại của cổ phiếu đang khả quan.
Việc mua vào GEG khi giá cổ phiếu quay trở về test vùng 13,500-15,500 (đáy cũ tháng 10/2020) được giới phân tích ủng hộ mạnh mẽ.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock