Vietstock - TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nên tính đến việc đánh thuế trên các giao dịch vàng
Nhu cầu vàng hiện tại đang rất cao và chịu ảnh hưởng bởi yếu tố trong nước và cả thế giới. Do đó, cần phải xác định đúng nguyên nhân, mới có thể đưa ra giải pháp đúng đắn giúp bình ổn thị trường vàng.
* Dừng đấu thầu vàng miếng, NHNN điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng từ 03/06
Ngày 27/05/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thông báo sẽ tiếp tục điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng, nhằm tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới. Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/06/2024.
NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng và có 6 phiên đấu thầu thành công, đưa 48,500 lượng vàng cung ra thị trường.
Sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng SJC trong nước lại tăng, bất chấp nguồn cung thêm. Giá vàng miếng SJC mở cửa phiên 28/05 ở mức 88.5 - 90.5 triệu đồng/lượng, tăng 8.2 - 7.7 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán so với trước phiên đấu thầu đầu tiên (23/04).
Quy đổi theo tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank (HM:VCB) ngày 28/05 là 25,468 đồng/USD ở chiều bán ra thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới (2,350 USD/oz) gần 17.6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC vọt lên 90.5 triệu đồng/lượng sáng 28/05
Nguồn: Giavangvietnam
|
Giá vàng SJC cập nhật tại một số thương hiệu lớn sáng 28/05/2024
Nguồn: Giavangvietnam
|
Trước vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng đã có những chia sẻ và đưa ra giải pháp để có thể giúp bình ổn thị trường vàng đang bất ổn hiện nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
|
NHNN đã thông báo dừng đấu thầu vàng, sau 6 phiên đấu thành công, ông đánh giá việc này như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khi NHNN đưa ra kế hoạch tổ chức các phiên đấu thầu vàng, dự kiến sẽ đẩy ra thị trường 68,000 lượng vàng. Đến bây giờ, đã đẩy ra 48,500 lượng. Mục đích của việc đấu thầu vàng là để cho giá vàng trong nước tiếp cận với giá vàng trên thế giới, tránh tình trạng buôn lậu vàng và không làm thiệt hại đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Đặc biệt là để ổn định thị trường vàng, nhưng tất cả mục tiêu đó không đạt được. Điều này thể hiện ở việc giá vàng lên xuống và không có xu hướng giảm, ngày hôm nay trên mức 90 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới và trong nước chênh lệch nhau đến 17 triệu đồng/lượng. Có thể nói các phiên đấu thầu vàng của NHNN không thành công.
Vậy hiện nay có phương án nào thay thế đấu thầu để bình ổn thị trường vàng?
Trong cơn sốt vàng này cần phải chẩn đoán đúng thì mới có phương pháp chữa đúng. Việc NHNN dự kiến đẩy ra lượng vàng 68,000 lượng vào lưu thông là có thể giải quyết được vấn đề, dường như chưa giải quyết được vấn đề.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nằm ở nhu cầu vàng hiện tại rất cao và được tác động bởi thị trường vàng thế giới và cả trong nước.
Giá vàng thế giới ngày càng cao, đang lên đến hơn 2,350 USD/oz và sẽ tiếp tục tăng nữa. Trong nước, nhu cầu vàng cũng tăng đột biến, do tâm lý của người dân thấy rằng vàng là kênh sinh lời có lẽ tốt nhất hiện tại. Trong khi các kênh khác như chứng khoán chưa có sự ổn định, kênh tiền gửi thì lãi suất thấp, kênh bất động sản chưa khởi sắc. Do đó, nhận thấy rằng vàng là thị trường sinh lời cao, nên người dân lại càng đổ tiền vào. Giá vàng lại càng bị đẩy lên cao.
Như vậy, phải có biện pháp phù hợp mới có thể giúp bình ổn thị trường vàng đang nóng sốt hiện nay.
Thứ nhất, nguồn cung chưa đủ để đáp ứng sức cầu, chính vì thế thị trường không tin tưởng với 68,000 lượng vàng đẩy ra thị trường có thể giải tỏa “cơn khát”. Do đó, thị trường “làm ngơ” trước các phiên đấu thầu vàng của NHNN. Như thế, giải quyết nguồn cung là vấn đề quan trọng.
Cho đến bây giờ, NHNN là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nhưng từ nhiều năm nay không nhập khẩu thêm vàng. Do đó, ở nút chặn NHNN làm cho “van” cung cấp nguồn vàng bị chặn lại, chính vì thế cách giải quyết là cho phép nhà kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng dưới sự kiểm soát của NHNN.
Thứ hai, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng phải được sửa đổi. Yếu tố đầu tiên liên quan đến Nghị định này là thương hiệu vàng quốc gia SJC cần được hủy bỏ, để cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường được cạnh tranh công bằng với nhau. Thêm vào đó là NHNN nên trao vai trò được nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng. Cuối cùng là nên thành lập sàn vàng để các giao dịch vàng được minh bạch.
Đó là những điều tôi cho rằng cần phải làm ngay lúc này để bình ổn thị trường vàng.
Dường như giá vàng trong nước tăng nóng còn tác động bởi các yếu tố nào khác ngoài tâm lý của nhà đầu tư không, thưa ông?
Cần phải biết rằng thị trường vàng không chỉ ảnh hưởng bởi yếu tố trong nước, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Một trong những yếu tố quan trọng là giá trị của đồng USD. Chỉ số USD-Index hiện tại đang ở mức cao 104.38 điểm. Với giá trị cao như thế này, dĩ nhiên cũng ảnh hưởng đến thị trường vàng. Chỉ số USD-Index cao làm hãm lại việc giá vàng tăng. Thế nhưng có những lực đẩy khác làm cho giá vàng tăng lên trong thời gian qua. Nhu cầu mua vàng trên thế giới ngày càng tăng, từ các ngân hàng trung ương trên thế giới và các nhà kinh doanh vàng. Nhất là trong tình hình hiện tại, địa chính trị đang bất ổn từ 2 khu vực Trung đông và Ukraine đang có xung đột trầm trọng, đẩy giá vàng lên. Cũng vì vậy, giá vàng đang trong xu hướng tăng.
Thêm nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có ý định giảm lãi suất, nhưng tại thời điểm này tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang còn cao trên 3%, trong khi lạm phát mục tiêu là 2%, do đó Fed chưa đưa ra lộ trình cụ thể khi nào giảm lãi suất. Sự bất định của quá trình giảm lãi suất cũng là yếu tố đẩy giá vàng lên cao.
Tất cả những yếu tố nội và ngoại đang ảnh hưởng lên giá vàng một cách mạnh mẽ. Cũng vì vậy khi đưa ra các giải pháp bình ổn thị trường vàng, phải tính đến các yếu tố từ bên ngoài tác động đến sự bất ổn thị trường vàng, chứ không chỉ trong nước, nhưng NHNN chỉ có thể kiểm soát được những yếu tố mang tính chất trong nước.
NHNN mong muốn vừa bình ổn thị trường vàng, nhưng đồng thời không để ảnh hưởng đến cân bằng tỷ giá, các yếu tố cân đối vĩ mô. Điều này có mâu thuẫn không khi không thể đồng thời đảm bảo bình ổn 2 thị trường?
Tại thời điểm này tỷ giá đang tăng, do đó cũng sẽ có tác động đến thị trường vàng. Vì khi nguồn cung khan hiếm, nhóm buôn lậu vàng sẽ cần lượng USD lớn để nhập vàng, tác động lên tỷ giá. Trên nguyên tắc, nếu kiểm soát được vấn đề tăng tỷ giá cũng có thể ngăn được giá vàng tăng.
Thế nhưng, vấn đề tỷ giá lại chỉ ảnh hưởng một phần từ thị trường vàng, còn lại chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố cân đối vĩ mô khác, địa chính trị và thị trường tài chính.
Có kiến nghị đánh thuế vào vàng, ông cho rằng điều này có giúp giảm sức hấp dẫn của vàng không?
Việc đánh thuế trên vàng cũng giúp giảm sức cầu, bởi vì người mua vàng không phải chịu thuế nhưng người bán vàng sẽ tạo ra thu nhập, sẽ phải chịu thuế. Do đó, nếu đánh thuế vàng thì giao dịch vàng sẽ chậm lại, giúp giảm sức nóng trên thị trường vàng. Do đó tôi nghĩ cũng nên tính đến việc đánh thuế trên các giao dịch vàng.
Xin cảm ơn ông!
Cát Lam