Vietstock - TS Đinh Thế Hiển: Đến quý 1/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại
TS Đinh Thế Hiển dự báo đến hết quý 4 năm nay, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ ổn định trở lại, đến quý 1/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại.
Thông tin trên được chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển chia sẻ tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, Trang TTĐTTH VietnamBiz phối hợp cùng Greenpan Vietnam tổ chức.
Ông Hiển cho biết, hiện nay có 2 luồng ý kiến về việc giải cứu thị trường bất động sản. Thứ nhất, phải làm sao để có thêm nguồn vốn đưa bất động sản thoát khỏi tình trạng thiếu vốn, từ đó dịch chuyển nguồn vốn, điều hòa lại thị trường, giúp nền kinh tế phát triển.
Thứ hai, Nhà nước đang giải cứu thị trường bất động sản, đang đưa các chính sách, biện pháp kiểm soát các ngân hàng thương mại để các dòng vốn hạ cánh an toàn, hệ thống ngân hàng thương mại không rơi vào tình trạng sụp đổ.
Theo đó, ông Hiển dự báo đến hết quý 4 năm nay, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ ổn định trở lại, đến quý 1/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại.
Lãi suất cho vay đến hết quý 1/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10 - 14%/năm. Nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh từ quý 1/2023 bắt đầu tốt và tăng mạnh vào quý 2.
Cũng theo TS Hiển, mặc dù trái phiếu doanh nghiệp thường được ca ngợi là kênh huy động vốn rất quan trọng, nhưng ông khẳng định trong giai đoạn hiện nay và ba năm tới, trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một kênh dành cho công ty cổ phần đại chúng niêm yết chứ không phổ biến cho công ty sản xuất kinh doanh bình thường.
Giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân khoảng 7%/năm, tiêu dùng tăng trưởng bình quân 12 - 13%/năm, vẫn cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2021 - 2022, nguồn vốn bị kẹt lại là do vấn đề từ thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp chỉ nên đầu tư vào những thứ cốt lõi
Nói về lĩnh vực thủy sản, TS Hiển dự báo năm 2023 - 2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Để có nhiều vốn, doanh nghiệp còn cần quản lý tài chính tốt, nghiên cứu làm sao cho nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất, không nên phát triển theo kiểu tăng trưởng đến đâu đầu tư đến đó mà nên hạn chế đầu tư, chỉ đầu tư vào những thứ cốt lõi.
Nếu làm được như vậy, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn quy mô vốn, giúp doanh nghệp có thể xoay xở được vào những giai đoạn khó khăn.
Hiện nay, ngành thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng thâm dụng vốn bởi tác động từ nền kinh tế nói chung, và khối bất động sản nói riêng. Nền kinh tế đang có xu thế phát triển từ thâm hụt vốn khi mà nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao 1.5 lần, tăng trưởng tín dụng nhanh hơn GDP trong 5 năm trở lại đây.
TS Hiển cho biết, tỷ lệ thâm dụng vốn tăng rất mạnh trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, và nền kinh tế đang rất khát vốn. Mức thâm dụng vốn của các công ty niêm yết là rất lớn. Nửa đầu năm nay, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là doanh nghiệp niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu. Mà doanh nghiệp niêm yết là các doanh nghiệp tương đối tốt, đặc biệt là hệ thống huy động vốn tốt nhưng vẫn đối mặt với việc thâm dụng vốn tăng mạnh.
“Chúng ta thiếu tiền do thâm dụng vốn, dẫn đến khan tiền, chứ không phải do Chính phủ siết cung tiền bởi tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng còn nhiều hơn các năm trước”, vị chuyên gia nhận định.
Đối với doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản, TS Hiển cho rằng tình hình sử dụng vốn của nhóm này khá ổn, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, các doanh nghiệp thủy sản có cơ cấu vốn tốt hơn so với ngành công nghiệp.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản lên tới 74%, cho thấy khối này đang sử dụng nhiều vốn mà doanh thu tạo ra ít. Số tiền bị nhốt trong nền kinh tế đang khan hiếm của yếu ở các doanh nghiệp bất động sản. Tỷ lệ vốn trên doanh thu của doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã giảm trong các năm qua và hiện chỉ khoảng 50%.
Về mặt lãi suất vay, hiện nay các doanh nghiệp có thể chịu đựng được lãi suất cho vay ở mức 10 – 12%/năm, nếu cao hơn sẽ khó khăn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý 1/2023 thì nhiều doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ sẽ phải chịu lỗ khi sử dụng vốn, TS Hiển nhận định.
Giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản
Các vấn đề khó khăn liên quan đến ngành thủy sản như cạnh tranh giá, phí vận chuyển cao, vấn đề môi trường, chế biến sâu, nguyên liệu ổn định… đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn để doanh nghiệp có thể giữ được phong độ tăng trưởng và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030.
Theo đó, TS Hiển đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp thủy sản. Cụ thể, doanh nghiệp lớn và niêm yết nên phát triển đứng đầu chuỗi cung ứng giá trị , tránh phát triển dạng tập đoàn (tổng công ty) kiểu cũ.
Giải pháp nguồn vốn kinh doanh & đầu tư cho doanh nghiệp thủy sản lớn và niêm yết.
|
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động thuyết phục ngân hàng, nhà cung cấp giản nợ, cung ứng vốn; tự làm giảm nhu cầu vốn hợp lý để tăng khả năng huy động vốn; rút ngắn và động bộ chu trình cung ứng nguyên liệu – sản xuất – bán hàng; loạt bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả; liên kết, hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ.
Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần duy trì vốn chủ sở hữu trên tổng vốn không thấp hơn 40%; duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn hơn nhu cầu chi thường xuyên 2 tháng; dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh hàng năm phải bằng tối thiểu 20% so với nợ dài hạn tài chính; không đầu tư quá 30% vốn chủ sở hữu của công ty vào dự án mới; liên kết, outsource thay vì tự đầu tư.
Thu Minh