Vietstock - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Căn cứ nguồn trong nước để cân đối nhập khẩu xăng dầu
Thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 29/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan này đã làm việc với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để cân đối nhập khẩu xăng dầu, đáp ứng sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Theo ông Hải, hiện nay việc cung ứng từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn chiếm từ 70-75%, trong khi nhập khẩu chiếm từ 20-25%.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước quý 1 có nhiều biến động do nguồn cung ứng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm từ 35-45% thị phần) đã giảm mạnh công suất trong tháng 1 và đầu tháng 2, thậm chí có thời gian ngừng sản xuất.
Trong khi đó tình hình nguồn cung nhập khẩu gặp khó do tình hình chính trị, giá cả tăng, chi phí logistic và nguồn cung hạn chế và cước vận tải tăng…
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chủ động nhập khẩu cũng như tính đến giảm công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do vậy quý 1 vẫn đảm bảo cung ứng cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Đối với quý 2, sau khi làm việc và xem xét hoạt động Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương đã ban hành quy định số 242 ngày 24/2 về phân giao nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho 10 đầu mối xăng dầu để bổ sung cho lượng xăng dầu thiếu hụt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
“Quý 3 và 4, Bộ Công Thương sẽ căn cứ vào cam kết của nhà máy này để ưu tiên lượng cung ứng trong nước. Còn lại sẽ phân giao cho 10 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu,” ông Đỗ Thắng Hải nói.
Về điều hành giá, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay đối với mặt hàng xăng dầu, tại Nghị định 83/CP và Nghị định 95/CP đã có các quy định rõ. Tuy nhiên, do giá cả thế giới và trong nước liên thông, nên khi thế giới tăng hay giảm sẽ tác động đến trong nước.
Vì vậy, trong thời gian qua, Liên bộ Tài chính-Công Thương đã sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) nên mức tăng của Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức tăng của thế giới.
Hơn nữa, để hỗ trợ mặt hàng này, vừa qua Quốc hội đã có Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, áp dụng từ ngày 1/4 đến hết năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang nghiên cứu các chính sách để giảm được thuế nào phù hợp, qua đó kiến nghị với cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ trong việc điều hành giá xăng dầu, đồng thời chống thẩm lậu qua biên giới.
“Theo quy định, các đầu mối xăng dầu dự trữ 20 ngày trong kho, các doanh nghiệp cung ứng dự trữ 5 ngày. Còn dự trữ Nhà nước do khả năng và ngân sách hạn chế nên liên bộ sẽ bàn nhằm đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam đảm bảo tối đa cho tình hình dự trữ thời gian tới,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm./.
Nhật Quang