Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, trong khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này đã giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy cuối năm, xu hướng tăng giá có thể còn kéo dài đến cuối tháng 12.
Lực mua trên thị trường nông sản Trái với xu hướng giằng co trong phiên trước đó, giá đậu tương đã liên tục suy giảm trong đầu phiên hôm qua, nhưng quay đầu tăng mạnh trở lại trong phiên tối và đóng cửa với mức tăng lên tới 1,16%.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong ngày hôm qua tiếp tục là những diễn biến của tình hình mùa vụ tại Mỹ, khi mà hoạt động thu hoạch đang gần hoàn thành và công tác xuất khẩu cũng như ép dầu được đẩy mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) của USDA, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán đơn hàng 261.272 tấn đậu tương niên vụ 22/23 cho Mexico. Trong khi đó, báo cáo Ép dầu của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) cho thấy, khối lượng ép dầu đậu tương của Mỹ trong tháng 10 đạt 184,464 triệu giạ, chính xác như dự đoán của thị trường, đồng thời cũng tăng tới 16,7% so với số liệu tháng 10.
Đây cũng là tháng đầu tiên khối lượng ép dầu đậu tương của Mỹ tăng trở lại, sau 2 tháng liên tiếp sụt giảm do các hoạt động bảo trì nhà máy.
Cùng chung xu hướng, giá ngô đã ghi nhận mức hồi phục mạnh trở lại sau chuỗi suy yếu liên tiếp trước đó. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EU Commission), nhập khẩu ngô của khối trong tuần kết thúc ngày 13/11 vẫn duy trì ổn định ở trên 600.000 tấn.
Ngoài ra, báo cáo Daily Export Sales cũng được USDA phát hành với đơn mua 230.185 tấn ngô Mỹ của Mexico cho thấy tiêu thụ ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi của các nước vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá.