Vietstock - Phương Tây tìm cách ngăn chặn Nga bán khối vàng dự trữ trị giá 140 tỉ đô la
Chính phủ Nga đã dành nhiều năm để mua vàng tích trữ và đang nắm giữ khối lượng vàng hơn 2.000 tấn, lớn thứ năm thế giới, có trị giá ước tính 140 tỉ đô la Mỹ. Đây được coi là tài sản dự trữ chiến lược mà Ngân hàng trung ương Nga (CBR) có thể sử dụng trong những thời kỳ khủng hoảng.
Song giờ đây, bất kỳ nỗ lực nào để bán số vàng khổng lồ trên cũng là thách thức lớn ngay cả khi Moscow đang rất cần bán khối kim loại quý này để củng cố đồng rúp trong bối cảnh Nga đang hứng các đòn trừng phạt liên tiếp của phương Tây.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga đang nắm giữ 2.000 tấn vàng, tính đến cuối năm ngoái. Ảnh: Intellinews |
CBR đã mở rộng kho dự trữ vàng của mình gần gấp sáu lần kể từ giữa những năm của thập niên 2000. Moscow có thể bán vàng để nâng cao giá trị của đồng rúp vốn đang suy sụp khi Mỹ và đồng minh siết các nỗ lực cô lập nền kinh tế Nga sau cuộc tấn công Ukraine.
Nhưng khả năng bán được số vàng này rất khó. Các lệnh trừng phạt ngăn cấm các tổ chức tài chính ở Mỹ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) giao dịch kinh doanh với CBR. Các thương nhân và ngân hàng ở nước ngoài cũng e ngại mua gián tiếp vàng thỏi của Nga hoặc sử dụng các loại tiền tệ khác để mua vàng của nước này vì sợ bị tổn hại danh tiếng hoặc vi phạm lệnh trừng phạt.
Moscow có thể nhắm đến ngân hàng trung ương ở các nước như Ấn Độ và Trung Quốc để bán vàng hoặc để vay tiền bằng cách thế chấp vàng, theo Jeff Christian, đối tác quản lý ở Công ty CPM Group, người nghiên cứu thị trường kim loại quý từ thập niên 1970.
“Họ có thể mua vàng của Nga với giá chiết khấu so với giá thị trường”, Christian nói khi ám chỉ đến ngân hàng trung ương ở Ấn Độ và Nga.
Christian cho rằng Nga cũng có thể bán vàng thông qua Sở giao dịch vàng Thượng Hải, nơi có các thành viên bao gồm các ngân hàng thương mại của Nga, dù doanh số bán vàng này có thể sẽ nhỏ.
Để siết chặt sức ép tài chính lên Nga, một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa và Dân chủ đang giới thiệu một dự luật trừng phạt bất kỳ cá nhân, tổ chức nào của Mỹ giao dịch vàng và vận chuyển vàng có nguồn gốc từ CBR. Động thái này có thể ngăn chặn các ngân hàng ở những nước như Trung Quốc và Ấn Độ mua vàng của Nga rồi bán ra thị trường quốc tế.
Thượng nghị sĩ Maggie Hassan, một trong những người đồng bảo trợ của dự luật này, nói: “Dự luật sẽ đóng lại một kẽ hở quan trọng, cho phép Nga bán vàng dự trữ để củng cố nền kinh tế”.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng không muốn bị vướng vào các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến chiến sự ở Ukraine. Điều đó càng làm hạn chế các sự lựa chọn của Nga.
Trong một ví dụ khác cho thấy cách phương Tây đang tìm cách đóng băng giao dịch vàng của Nga, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) và Công ty giao dịch hàng hóa CME Group (Mỹ) gần đây đã đình chỉ tư cách thành viên của công ty luyện vàng của Nga. Điều này có nghĩa các thỏi vàng mới của Nga sẽ không được giao dịch ở các trung tâm chính của London và Mỹ.
Việc LBMA đình chỉ tư cách thành viên của các công ty luyện vàng đã từng hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vàng của các nước khác trước đây. Sau khi LBMA đình chỉ một công ty luyện vàng nhà nước của Kyrgyzstan hồi năm ngoái, giới chức trách nước này đã phải dò hỏi xem liệu các công ty luyện vàng ở Thụy Sĩ có thể luyện vàng cho Ngân hàng trung ương Kyrgyzstan để đưa ra thị trường toàn cầu hay không. Ít nhất một công ty luyện vàng của Thụy Sĩ đã từ chối làm như vậy vì họ lo bị LBMA phạt.
Nhiều nước khác cũng nhắm đến vàng khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Trước đây, nhà độc tài Muammar Gaddafi, Tổng thống Libya, đã bán một phần vàng dự trữ của Libya để chi trả lương cho quân đội khi nước này bị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trừng phạt kinh tế vào đầu thập niên 2010. Năm 2019, giới chức trách Mỹ cũng đã truy tố Ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc hỗ trợ ngân sách bán dầu của Iran sang vàng rồi đưa sang Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) để thu ngoại tệ, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran. Chính phủ Venezuela đang kiện đòi quyền tiếp cận số vàng trị giá hơn 1 tỉ đô la của nước này được cất giữ trong các kho của Ngân hàng trung ương Anh (BOE) sau khi chính phủ Anh công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống của Venezuela.
Vàng của CBR được cất giữ ở trong nước. Ngân hàng Citigroup nhận định nếu nền kinh tế Nga suy yếu nghiêm trọng, CBR có thể bán vàng thỏi ra thị trường trong nước để mua đồng rúp. Hôm 15-3, CBR thông báo dừng mua vàng từ các ngân hàng thương mại trong nước để họ có thể đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân. Các nhà phân tích cho rằng việc dân Nga mua vàng sẽ giúp giảm bớt lượng tiền trong nền kinh tế đồng thời củng cố thanh khoản của các ngân hàng.
Khánh Lan