Vietstock - Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris
Hôm 16-9, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi biến đổi khí hậu Paris nhưng sẽ xem xét lại các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà Mỹ đã cam kết trước đó dưới thời của Tổng thống Barack Obama.
Tờ Wall Street Journal cho biết quan điểm xem xét lại các điều khoản tham gia thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris được đưa ra tại cuộc họp quy tụ hơn 30 bộ trưởng đến từ các nước Canada, Trung Quốc và khu vực Liên minh châu Âu tại Montreal (Canada) hôm 16-9.
Hồi tháng 6, Tổng thống Donald Trump nói Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris trừ khi nước này tìm kiếm được các điều khoản có lợi hơn, công bằng hơn đối với doanh nghiệp, người lao động, người dân và người đóng thuế Mỹ.
Các quan chức Mỹ ở Montreal, dẫn đầu là cố vấn cấp cao Nhà Trắng Everett Eissenstat đã đề cập đến khả năng thay đổi các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Mỹ. Một quan chức tham dự cuộc họp ở Montreal nói ông Eissenstat tuyên bố Mỹ đang xem xét các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới. Bất kỳ sự xem xét nào cũng sẽ hạ thấp các cam kết của Mỹ trước đây khi ký thỏa thuận Paris.
“Phía Mỹ khẳng định họ sẽ không tái đàm phán thỏa thuận Paris nhưng họ sẽ xem xét lại các điều khoản mà họ có thể tham gia thỏa thuận này”, Cao ủy châu Âu về Hành động khí hậu và năng lượng Miguel Arias Cañete nói.
Những bên tham gia cuộc họp tại Montreal cho biết quan điểm của Eissenstat dù có thể hàm ý Mỹ giảm mạnh tham vọng hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng làm dấy lên sự lạc quan cho các nước ủng hộ thỏa thuận Paris. “Chúng tôi vui mừng vì Mỹ tiếp tục ghi nhận cơ hội kinh tế của tăng trưởng sạch”, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna nói.
Chiều 16-9, một người phát ngôn của Nhà Trắng nói quan điểm của Mỹ về thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi nhưng lưu ý rằng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này của Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ được xác nhận bằng văn bản.
Mỹ là nước xả lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Việc Washington rút khỏi thỏa thuận Paris có thể gây nguy hại đến khả năng duy trì thỏa thuận này và có thể kéo theo những nước khác rời bỏ một thỏa thuận mất hàng chục năm để đàm phán.