Vietstock - Đi 30km không mua được xăng, miền Tây hỏa tốc 'cầu cứu' Thủ tướng
Trước tình trạng hoạt động kinh doanh xăng, dầu đang gặp khó khăn do các thương nhân đầu mối chỉ cung ứng hàng nhỏ giọt, thậm chí hết hàng, nhiều tỉnh ở miền Tây có văn bản gửi Trung ương nhờ can thiệp.
30km có 8 cửa hàng hết xăng dầu
Sáng 10/10, phóng viên đi dọc trên tuyến quốc lộ 80, đoạn từ Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá đến Trung tâm Hành chính huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang với quãng đường hơn 30km nhưng có 8 cửa hàng xăng dầu treo biển ‘hết xăng” hay “hết dầu”.
Đáng chú ý, một số cửa hàng đóng cửa, khép hờ hay bán kiểu cầm chừng… cùng với đó là hàng loạt điểm bán lẻ xăng dầu ‘mọc’ lên khắp nơi trên tuyến đường này. Không riêng gì hai huyện Tân Hiệp, Châu Thành mà trên địa bàn TP. Hà Tiên, U Minh Thượng vẫn có tình trạng hết xăng, dầu.
Một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Tân Hiệp Kiên Giang treo biển 'hết xăng". |
Một nhân viên bán hàng thuộc Công ty TNHH MTV Dầu khí Đông Nam (huyện Châu Thành) nói: “Hôm qua, cửa hàng nhập về 2.000 lít xăng nhưng chỉ bán trong ngày là hết sạch nên sáng nay chúng tôi treo biển “hết xăng”, còn dầu thì đủ cung cấp cho người dân".
Một cây xăng trên địa bàn TP. Hà Tiên (Kiên Giang) hết xăng. |
Mang theo can nhựa 30 lít đến mua dầu, người dân ông ngụ kênh 5, huyện Tân Hiệp cho hay: “Lúa của tôi đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng mấy hôm nay mưa nhiều, triều cường lên cao nên máy cắt không thể xuống cắt được. Tuyến đường này có nhiều cửa hàng đóng cửa nên tôi chạy hơn 10km để mua dầu về chạy máy bơm nước. Tình hình thiếu dầu như thế này khó khăn cho người dân tụi tôi lắm”.
Một người dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho hay: "Mấy cây xăng ở huyện thường xuyên đóng cửa, muốn mua phải sang huyện khác. Trong khi đó ở xã Minh Thuận có 3 cây xăng, hôm qua không mở, hôm nay thì có 1 cây mở nhưng chỉ bán mỗi người 20.000 đồng, mua nhiều không bán".
Một người dân trên địa bàn huyện Tân Hiệp cho biết, nhiều cửa hàng đóng cửa khiến cho việc mua xăng - dầu gặp khó khăn. |
Tại Cà Mau, ghi nhận ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho thấy có 3 cửa hàng hết xăng dầu cục bộ do thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp xăng dầu chưa kịp thời, không đủ nguồn để cung cấp. Sáng 10/10, một số tuyến đường trong nội ô TP. Cà Mau cũng ghi nhận thêm một số cửa hàng treo biển “hết xăng”.
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - cho biết, Sở đã đi kiểm tra cũng phát hiện một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh thiếu xăng, dầu cục bộ, chủ yếu là thiếu xăng. Các cửa hàng thiếu chỉ trong vài giờ đồng hồ hoặc nửa ngày do thương nhân đầu mối cung cấp về chưa kịp.
Một cây xăng ở Cà Mau treo biển 'hết xăng chờ nhập hàng". |
Chiết khấu bằng 0
Tại Hậu Giang, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, tình trạng thiếu xăng dầu nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp (DN) đầu mối không chủ động được nguồn cung, sợ lỗ nên chỉ nhập hàng đủ số lượng cung cấp cho hệ thống và các thương nhân phân phối có đăng ký sản lượng ổn định vì vậy, có một vài thương nhân phân phối không mua được hàng từ thương nhân đầu mối.
Ngoài ra, do chiết khấu xăng, dầu khi cung cấp đến các cửa hàng bán lẻ bằng 0 hoặc âm, nhưng DN phải chi trả các chi phí về vận chuyển, thuế, công lao động, máy móc thiết bị... nên kinh doanh không có lãi.
Hậu Giang hiện có 5 thương nhân phân phối đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống. Với 5 đơn vị này, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho viết cam kết, tuy nhiên hàng hóa đôi lúc cũng chưa ổn định và đảm bảo để cung cấp và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Sở Công Thương Hậu Giang đề nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các DN này vượt qua khó khăn, nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại Cần Thơ, ông Trần Xuân Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - cho hay, địa phương hiện còn 8.500ha lúa vụ 3 chưa thu hoạch nhưng có tình trạng các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt, huyện đã có kiến nghị Sở Công Thương và Sở cũng xuống nắm tình hình thì được biết nguồn cung thiếu.
“Trong khi xem trên báo đài thì Bộ Công Thương nói nguồn cung không thiếu. Bây giờ ông đại lý ông đăng ký mua không được, đồng nghĩa không cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ được, người dân mua xăng dầu phục vụ cho sản xuất rất khó khăn, đề nghị UBND TP kiến nghị với bộ ngành trung ương để có giải pháp để có nguồn xăng dầu cung ứng, phục vụ sản xuất…”, ông Phương nói.
Một số cây xăng trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) luôn quá tải. |
Theo báo cáo hoả tốc của UBND tỉnh Kiên Giang gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, tình hình xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng do các thương nhân phân phối phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối, nhưng các thương nhân đầu mối chỉ cung ứng nhỏ giọt, cầm chừng, thậm chí hết hàng.
Hiện, các thương nhân phân phối xăng, dầu chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ từ 2-3 ngày. Trong khi các doanh nghiệp đầu mối đang bán với mức chiết khấu âm từ 1.000-2.500 đồng/lít, đồng thời thương nhân phân phối kinh doanh lỗ do phải chịu thêm các khoản chi phí vận chuyển, chi phí quản lý. Vì vậy, khả năng không đảm bảo duy trì cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trên địa bàn trong thời gian tới.
Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được các thương nhân phân phối xăng dầu cung ứng cầm chừng, mỗi lần cấp chỉ 1-3m3, cách nhau 3-5 ngày, trong khi cửa hàng bán hết xăng dầu từ 2-3 ngày, dẫn tới tình trạng các cửa hàng khan hiếm, thiếu cục bộ 1-2 ngày.
24 cây xăng dầu ở Đồng Tháp xin ngừng hoạt động
Theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có 1 thương nhân đầu mối, 26 thương nhân phân phối xăng dầu (4 thương nhân trong tỉnh và 22 thương nhân phân phối ngoài tỉnh) tham gia cung cấp xăng dầu cho 515 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Sở Công Thương tiếp nhận đơn của 24 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xin tạm ngưng hoạt động. Qua kiểm tra, xác minh ban đầu, có 19 cửa hàng đã nêu lý do tạm ngưng là khó khăn nguồn vốn, tỷ lệ chiết khấu thấp, kinh doanh lỗ, đã chuyển nhượng cửa hàng cho doanh nghiệp khác. Sở đang tiến hành xác minh thêm để làm rõ nguyên nhân và trả lời doanh nghiệp cũng như xử lý theo quy định
|
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới không bị đứt gãy, mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính xem xét điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ; không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động.
Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phương án đảm bảo nguồn cung. Có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ nhằm ổn định trong hệ thống phân phối xăng dầu để các thương nhân có thể duy trì hoạt động…
Nhật Huy - Hòa Hội - Cảnh Kỳ - Tân Lộc