Theo Thao Ta
Investing.com - Bức tranh thị trường năng lượng hiện tại đang theo chiều hướng tích cực với những nhà đầu cơ giá dầu.
Dầu thô Brent đã vượt ngưỡng kháng cự 80 USD/thùng vào thứ Ba, mặc dù ngay sau đó giảm trở lại về mức 78,47 USD vào thứ Tư lúc 10:30 sáng tại London. Dầu thô WTI được giao dịch ở mức 74,73 USD/thùng trong cùng thời điểm.
Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và châu Âu vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng khí đốt, bức tranh nhu cầu có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, một số chuyên gia đang cảnh báo về khả năng nhu cầu sẽ giảm mạnh khi giá tăng cao hơn.
“Giá dầu hiện không còn hợp lý với chi phí biên của nguồn cung. Thay vào đó, nó đang hướng đến mức mà nhu cầu có thể bắt đầu giảm mạnh, mà chúng tôi ước tính ở mức ~ 80 đô la/bbl”. Đó là nhận định của Morgan Stanley (NYSE:MS) vào tháng 6 và trong một ghi chú hôm thứ Ba, ngân hàng tái khẳng định: "Đây vẫn là luận điểm của chúng tôi".
Tuy nhiên, Morgan Stanley cũng bổ sung rằng “mức giá chính xác để khiến nhu cầu sụt giảm có thể rất khó ước tính. Chúng tôi giữ nguyên dự báo giá của mình nhưng nhận ra rằng, theo xu hướng hiện tại, kịch bản giá tăng tới mức 85 đô la/bbl trước khi nhu cầu sụt giảm rõ ràng là có khả năng xảy ra".
Morgan Stanley dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt chặt hơn. Nguyên nhân đến từ lượng dầu trung bình được rút khỏi kho chứa là 3 triệu thùng/ngày vào tháng trước, so với mức 1,9 triệu thùng/ngày được rút ra giai đoạn đầu năm nay.
Các nhà phân tích Martijn Rats và Amy Sergeant của ngân hàng cho biết: “Con số này là tương đối cao và cho thấy thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nhiều hơn so với nhận định chung”. Cũng theo 2 nhà phân tích “số lượng các chuyến bay và mật độ giao thông đã tăng lên, với dữ liệu của Flightradar về số chuyến bay thương mại đang “thu hẹp khoảng cách với mức trước đại dịch”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các dấu hiệu đều ủng hộ giá dầu tăng.
Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Ba rằng biến thể Delta đang làm chậm tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và dự báo tăng trưởng với hầu hết các quốc gia trong khu vực đã bị hạ xuống. Đồng thời, Trung Quốc phải đối mặt với sự suy giảm tiềm năng do cuộc khủng hoảng China Evergrande (HK:3333) và tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng đến các nhà máy, gia đình và chuỗi cung ứng.
Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates có trụ sở tại London, cảnh báo: “Những rắc rối kinh tế của Trung Quốc đang phủ bóng đen lên mặt nhu cầu của dầu và đồng thời là triển vọng giá cả”.
Giá năng lượng tăng cũng sẽ thúc đẩy lạm phát thậm chí cao hơn, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với nhu cầu.
“Giá dầu tăng là một trong những động lực lớn nhất của lạm phát”, Brennock cho biết trong một ghi chú hôm thứ Ba. “Và tình hình lạm phát ngày càng tồi tệ sẽ tác động đến sự phục hồi kinh tế mong manh cũng như mức tiêu thụ dầu. Điều này đưa chúng ta đến gần với khả năng nhu cầu sử dụng dầu giảm mạnh”.
Trung Quốc và Ấn Độ, những nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã bắt đầu bán dầu từ nguồn dự trữ chiến lược vào tháng này trong một động thái chưa từng có tiền lệ để cố gắng hạ giá dầu thô. Động thái này diễn ra khi chi phí năng lượng tăng cao trong khu vực. Mặc dù tác động là không đủ để hạ giá dầu toàn cầu, những gì 2 quốc gia này làm đã gửi một thông điệp quan trọng.
Brennock viết: “Lý do cho động thái này chính là giá cả ở mức hơn 70 USD/thùng, dầu thô dường như đã trở nên quá đắt đối với Bắc Kinh và New Delhi... Giá dầu chạm mốc 80 USD/thùng sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với những nước mua dầu thô chủ chốt này và có khả năng làm suy yếu nhu cầu nhập khẩu".