Vietstock - Dự báo 2022: Mua vàng từ lỗ đến bị 'móc túi'
Khóa sổ năm 2021, vàng SJC tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng. Mức tăng hết sức khiêm tốn so với những kỷ lục liên tục bị phá vỡ của chứng khoán hay các cơn sốt hầm hập trên thị trường bất động sản.
Nhưng vàng không chỉ "thất sủng" vì lợi nhuận kém hấp dẫn mà vì nhiều lý do. Một cách không ồn ào, vàng đã và đang bị loại khỏi danh mục đầu tư của rất nhiều người. Câu chuyện người Việt yêu vàng đã và đang trên đường trở thành một phần lịch sử...
Khóa sổ năm 2021, vàng SJC tăng 5,5 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 8% so với đầu năm. Ngọc Thắng |
Vàng thất sủng
Chị Thu Trang (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một nhà đầu tư vàng lâu năm kể, năm 2021 chị chuyển một phần lớn vốn sang chứng khoán và thắng lớn. "Cô tính đi, đầu năm cổ phiếu FPT (HM:FPT) mới chỉ 47.000 đồng thì cuối năm đã lên gần 100.000 đồng/CP. VIC (HM:VIC) tháng 7.2021 có lúc xuống đến 82.000 đồng/CP nhưng có thời điểm đã lên gần 160.000 đồng. Đó là những cổ phiếu đầu tư giá trị. Còn giới đầu cơ "đánh ngắn" 2 năm nay bội thu từ những cơn sóng dồn dập ở cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... Nếu nói về câu chuyện của năm 2021, vàng không có cửa với chứng khoán" - chị Trang kết luận. Không có thống kê nào về số lượng những nhà đầu tư vàng bỏ sang chứng khoán, nhưng giao dịch èo uột của kim loại quý và số lượng tài khoản chứng khoán tăng đột biến trong năm 2021 cho thấy, có hàng ngàn, hàng vạn những người như chị Trang đã không còn giữ lòng "thủy chung" khi vàng ngày càng rủi ro mà ở "cánh đồng bên kia", chứng khoán, bất động sản cứ nóng rực.
Không chỉ giới đầu tư, ngay cả những người lớn tuổi đã trải qua một thời "cái gì cũng quy ra vàng", tình cảm cũng phôi phai theo thời gian. Bà P.T.H (Sơn Tây, Hà Nội) tháng trước từ chối món quà 5 chỉ vàng kỷ niệm 50 năm ngày cưới (nhận tiền) mà chồng bà đề nghị khiến cả nhà ngỡ ngàng. Chồng bà vẫn giữ trong lòng niềm tin rằng vàng là món quà quý giá và trúng ý vợ nhất bởi ông đã chứng kiến bà dùng vàng làm của hồi môn cho các cô con gái; làm phần thưởng cho các cháu trước mỗi kỳ thi lớn trong quãng đời học sinh, sinh viên. Thanh xuân của ông bà cũng gắn liền với vàng. Cứ vài kỳ lãnh lương, bà lại tích cóp mua 1 - 2 chỉ vàng, cất vào chiếc hộp nhỏ giấu trong góc tủ. Khi cần sắm sửa gì, cứ quy ra vàng mà trả. Thời ông bà, vàng là nhà, là xe máy, là các vật dụng trong gia đình. Nhưng dần theo thời gian, không còn ai mua bán bằng vàng nữa. Bây giờ, lương hưu của ông bà cũng được trả qua tài khoản. Từ hồi dịch, con gái mở cho ông bà cái ví điện tử thanh toán tiền điện, nước hằng tháng để bố mẹ đỡ phải đi đóng tiền tập trung, dễ lây bệnh nên tiền bạc chủ yếu chỉ là chợ búa hằng ngày. "Tôi già rồi, đi lại cũng khó khăn, chưa kể dịch bệnh phải hạn chế ra ngoài. Mua vàng bây giờ lúc cần lại phải mang đi bán, mất công. Chưa kể khu này có vài tiệm vàng, họ nói giá nào phải bán giá đó, có khi còn lỗ" - bà H. chép miệng. Chẳng là năm ngoái bà H. mang bán đôi bông tai vàng 4 số 9. Chủ tiệm vàng chê ỏng chê eo đôi bông "cũ, dơ" rồi trừ công cán, tính ra đúng là lỗ thật. Thậm chí đã có thời điểm, vàng khiến người ta "vàng mắt". Ký ức anh N.S (Tân Bình, TPHCM) còn chưa quên câu chuyện cách nay hơn một thập kỷ anh vay 14 "cây" (lượng) vàng làm nhà. Hơn 1 năm sau đến lúc phải mua trả nợ thì giá vàng đã tăng gấp rưỡi khiến anh bấm bụng chịu lỗ mua vàng trả nợ.
Những rủi ro phi lý của vàng
Vàng thất sủng là sự thật nhưng sự thất sủng của vàng, không hoàn toàn đến từ khoản lợi nhuận khiêm tốn mà đến từ sự rủi ro phi lý của kim loại quý. Trên thị trường Việt Nam hiện nay có thể chia đầu tư vàng thành 3 phân khúc gồm vàng miếng SJC, vàng nhẫn và vàng tài khoản. Đầu tiên là vàng miếng SJC, thương hiệu vàng miếng duy nhất do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất nhưng cả năm nay thoát ly hoàn toàn với giá thế giới khi luôn cao hơn từ 11 - 12 triệu đồng/lượng. Một mức cao kỷ lục không ai có thể tưởng tượng nổi. Còn nhớ khoảng một thập kỷ trước, vàng trong nước cao hơn vàng thế giới chỉ khoảng 5 triệu đồng thôi là tỉ giá dậy sóng, nguy cơ gom "đô", nguy cơ vàng lậu khiến cơ quan chức năng đau đầu. Còn bây giờ, mức chênh lệch đã kéo gấp 2,5 lần nhưng thị trường ngoại hối vẫn "sóng yên biển lặng". Mặt tích cực thì việc này cho thấy, công cuộc chống vàng hóa nền kinh tế của Nhà nước đã thành công. Vàng không còn là công cụ thanh toán, cảnh người dân xếp hàng mua vàng cũng chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng ở chiều ngược lại, việc thương hiệu vàng quốc gia ngày càng mai một cũng là chuyện đáng buồn.
Đắt đỏ vô lý, vàng SJC "thất sủng" trong danh mục ưu tiên của các nhà đầu tư |
Ở góc độ nhà đầu tư, bỏ tiền vào bất cứ hàng hóa gì thì tiêu chí đầu tiên là giá. Người xưa có câu, "mua rẻ bán đắt" chứ mua đắt thì cầm chắc lỗ. Mà đắt hơn đến gần 12 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới như vàng miếng SJC thì "họa điên mới mua" - như lời chị Trang và nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi hỏi không ngần ngại nói thẳng. Vàng miếng SJC còn thêm một rủi ro lớn nữa là chênh lệch giữa giá mua - giá bán rất cao, có thời điểm lên đến hàng triệu đồng/lượng. Quan trọng hơn, biên độ này nằm trong tay các công ty kinh doanh vàng tùy ý điều chỉnh miễn có lợi nhất cho họ. Thế nên ngay cả đón đúng hướng sóng, sáng mua giá giảm, nhà đầu tư cũng không thể "làm bàn" khi trưa hay chiều hôm đó giá vàng vụt tăng. Với tất cả những chuyện phi lý đó, vàng miếng SJC đã thất sủng không chỉ với các nhà đầu tư mà cả người yêu vàng truyền thống.
Buôn vàng SJC khó lời
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC - Phú Thọ thừa nhận, người mua vàng miếng SJC với doanh số lớn hiện nay rất ít vì giá nó quá bất hợp lý. Thế nên, buôn vàng miếng SJC gần như không có lời. Minh chứng rõ nhất thể hiện qua tình hình kinh doanh của thương hiệu vàng miếng duy nhất do Nhà nước độc quyền sản xuất hết sức èo uột. Năm 2020, năm thăng hoa của kim loại quý, thị trường vàng thế giới xác lập kỷ lục vào tháng 8 với mức 2.063 USD/ounce, trong khi trước đó chỉ 5 tháng, giá vàng vẫn ở đáy thấp nhất là 1.451 USD/ounce. Trong nước, nếu đầu năm 2020, giá vàng chỉ ở mức 42,8 triệu đồng/lượng thì đến đầu tháng 8 đã tăng lên trên 62 triệu đồng/lượng, tăng hơn 19 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 44%. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế của
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (SJC) chỉ đạt chưa tới 56 tỉ đồng, biên lợi nhuận ròng vỏn vẹn 0,24% trong khi doanh thu vượt mức 1 tỉ USD. Đó là chưa mổ xẻ kỹ về cơ cấu lợi nhuận nhưng trong con số khiêm tốn đó, đóng góp một phần không nhỏ đến từ việc dập vàng miếng của đơn vị này. Con số lợi nhuận khiêm tốn của SJC càng trở nên thê thảm hơn nếu so sánh với doanh nghiệp tư nhân PNJ (HM:PNJ) (Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận). Năm 2020 là năm công ty này vượt mốc ngàn tỉ đồng lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu của PNJ đạt 17.511 tỉ đồng, tăng 3%, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 1.069 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 đạt 19,4%, biên lợi nhuận ròng đạt 6%. Năm 2021 dù chưa công bố nhưng theo nguồn tin của chúng tôi, lợi nhuận của Công ty SJC cũng chỉ khoảng 70 tỉ đồng trong khi PNJ chắc chắn vẫn sẽ bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận bởi 11 tháng, công ty này đã đạt 837 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Thông thường, tháng cuối cùng của năm luôn là tháng bội thu với thương hiệu nữ trang nổi tiếng của Việt Nam nên rất có thể, con số thu về của PNJ trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh kinh doanh vàng năm nay.
Đắt đỏ và rủi ro, vàng miếng SJC chính thức bị các nhà đầu tư gạch tên ra khỏi danh mục đầu tư của mình.
(Kỳ tới : "Siêu trộm" bí ẩn trên sàn vàng)
Nguyên Khanh