Vietstock - Do đâu vàng nhẫn ‘vượt’ được ‘vũ môn’?
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tiến sát mốc 2.700 đô la Mỹ/ounce, giá vàng miếng SJC duy trì sự ổn định tương đối thì giá vàng nhẫn lại tăng mạnh. Sự chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC và vàng nhẫn đã thu hẹp đáng kể, một hiện tượng rất hiếm gặp trong quá khứ.
Giá các loại vàng nhẫn liên tục “nhảy múa” và tiến sát giá vàng miếng SJC. Ảnh: LÊ VŨ
|
Xu hướng giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng
Giá vàng thế giới đã đạt đỉnh gần 2.700 đô la Mỹ/ounce vào tháng 9-2024 và đang trong xu hướng tiếp tục tăng vượt đỉnh lịch sử. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng đã tăng hơn 26%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2007. Trung bình trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 9-2024, lợi suất đầu tư vàng hàng năm đạt 7,1%/năm và con số này đã tăng lên 12,3%/năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 9-2024.
Diễn biến giá vàng thế giới tăng gần đây được cho là do một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ quá mạnh tay của nhiều quốc gia kể từ sau đại dịch Covid-19 đã đẩy tình trạng lạm phát tăng cao.
Thứ hai, nhiều bất ổn liên tiếp xảy ra, từ dịch bệnh cho tới xung đột địa chính trị, khiến cho người dân tìm kiếm vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Thứ ba, cạnh tranh địa chính trị thúc đẩy xu hướng phi đô la Mỹ và khiến một số quốc gia ưu tiên tích trữ vàng để cân đối tài sản dự trữ.
Cuối cùng, mức nợ công cao của Mỹ đã làm suy giảm niềm tin vào đô la Mỹ, khiến vàng trở thành một công cụ thay thế.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, còn nhiều yếu tố khác tác động tới nhu cầu về vàng và góp phần thúc đẩy giá của kim loại này tiếp tục tăng. Giới đầu tư đưa ra dự báo, nếu xung đột địa chính trị tại Trung Đông và giữa Nga - Ukraine leo thang, giá vàng sẽ sớm vượt mức 3.000 đô la Mỹ/ounce trong nửa đầu năm 2025.
Diễn biến thị trường vàng trong nước
Năm 2024, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế thế giới nói chung và sức khỏe nội tại nói riêng, ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và đầu tư, dẫn đến tỷ giá biến động mạnh, khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng.
Giá các loại vàng nhẫn liên tục “nhảy múa” và tiến sát giá vàng miếng SJC. Ảnh: LÊ VŨ |
Mỗi khi tỷ giá biến động mạnh (tiền đồng bị mất giá so với đô la Mỹ), giá vàng trong nước có xu hướng tăng vọt. Năm nay, không chỉ tỷ giá biến động mạnh mà giá vàng thế giới cũng tăng không ngừng, làm gia tăng tâm lý đầu tư vàng mạnh hơn nữa. Cụ thể, giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh từ khoảng 70 triệu đồng/lượng lên mức đỉnh 85 triệu đồng/lượng, với chênh lệch so với giá vàng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng, và chênh lệch giá mua vào - bán ra tới 2-3 triệu đồng/lượng.
Để ổn định thị trường vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp vào thị trường vàng bằng một số biện pháp như tăng cung vàng, bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động mua bán vàng. Giá vàng sau đó đã ổn định hơn cùng thời điểm tỷ giá hạ nhiệt, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sự ổn định này chỉ là bề nổi, còn sóng ngầm nhu cầu vàng vẫn âm thầm tiếp diễn.
Giá vàng nhẫn “nhảy múa”
Trong khi giá vàng miếng SJC được giới đầu tư từ trước đến nay ưa chuộng vì sự ổn định giá thì giá các loại vàng nhẫn liên tục “nhảy múa” và tiến sát giá vàng miếng SJC. Hiện tượng này được cho là phản ánh nhu cầu đầu tư vàng của người dân tăng cao, nhưng nguồn cung bị siết bởi một loạt biện pháp kiểm soát thị trường vàng của cơ quan chức năng.
Nhu cầu đầu tư cao, nguồn cung hạn chế, khiến cho các đầu mối đẩy giá bán vàng nhẫn lên cao, tiến sát giá vàng miếng SJC. Cụ thể, ngày 13-10-2024, khi giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 82,5 triệu đồng và 84,5 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn 9999 của DOJI đã lên đến 82,55 triệu đồng và 83,45 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá mua vào vàng nhẫn đã cao hơn giá mua vào vàng miếng SJC và điều này là rất bất thường kể từ trước đến nay. |
Đầu tiên phải kể đến hoạt động mua bán vàng miếng SJC không diễn biến sát với cung cầu thực tế. Người dân khi thực hiện mua bán vàng miếng SJC phải thông qua các đơn vị được cấp phép, và số lượng mua bán rất hạn chế với thủ tục khá phức tạp. Việc bán tăng cường vàng miếng SJC chỉ được thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với số lượng nhỏ, thủ tục phức tạp. Điều này khiến cho hoạt động mua bán vàng miếng SJC không đáp ứng được nhu cầu của người dân và một hệ quả tất yếu là có sự dịch chuyển qua các sản phẩm vàng nhẫn của một số thương hiệu khác.
Nhu cầu đầu tư cao, nguồn cung hạn chế, khiến cho các đầu mối đẩy giá bán vàng nhẫn lên cao, tiến sát giá vàng miếng SJC. Cụ thể, ngày 13-10-2024 giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra lần lượt là 82,5 triệu đồng và 84,5 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn 9999 của DOJI đã lên đến 82,55 triệu đồng và 83,45 triệu đồng/lượng tương ứng. Như vậy, giá mua vào vàng nhẫn đã cao hơn giá mua vào vàng miếng SJC và điều này là rất bất thường kể từ trước đến nay.
Cần thêm biện pháp kiểm soát linh hoạt hơn
Chính sách tránh tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế đã được Chính phủ thực hiện và rất hiệu quả thời gian qua. Tuy nhiên, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã ban hành cách đây hơn một thập kỷ có nhiều hạn chế phát sinh và cần thay đổi.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ đối với vàng miếng SJC, NHNN cần linh hoạt trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng của các cơ sở kinh doanh, tạo điều kiện cho vàng trong dân được lưu thông dễ dàng, tăng nguồn cung cho thị trường. Việc kiểm soát chặt nguồn gốc vàng, cơ sở dữ liệu của người mua bán vàng cũng nên căn cứ vào tình hình thị trường, tránh ảnh hưởng tới phía cung và cầu trong bối cảnh giá vàng đang biến động mạnh và NHNN chưa tăng nhập khẩu vàng can thiệp.
Thời gian tới, khi tỷ giá đã ổn định hơn, dòng tiền nước ngoài quay trở lại Việt Nam, là thời điểm thuận lợi để NHNN tăng cường bổ sung dự trữ ngoại hối, trong đó nên bao gồm cả nhập khẩu vàng tăng dự trữ và ổn định thị trường vàng trong nước. Hơn nữa, cần nhanh chóng sửa Nghị định 24 để thị trường vàng hoạt động bền vững hơn, phù hợp với tình hình mới.
Lão Trịnh