Vietstock - Dầu tiếp tục tăng trước những bất định về nguồn cung
Giá dầu tiếp tục tăng vào ngày thứ Hai (12/9) khi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran dường như gặp trở ngại và lệnh cấm vận đối với dầu Nga được đưa ra, với nguồn cung khan hiếm đang phải vật lộn để đáp ưng nhu cầu vẫn còn cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.25% lên 94 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 99 xu (tương đương 1.1%) lên 87.78 USD/thùng.
Giá dầu gần như không thay đổi trong tuần trước khi đà tăng từ động thái cắt giảm nguồn cung danh nghĩa của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, bị bù đắp bởi các lệnh phong toả ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Pháp, Anh và Đức vào ngày 10/9 cho biết họ có “nghi ngờ nghiêm trọng” về ý định của Iran trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân, trong một diễn biến có thể khiến dầu Iran không có mặt trên thị trường và tiếp tục làm cho nguồn cung toàn cầu khan hiếm.
Giá dầu toàn cầu có thể phục hồi vào cuối năm do nguồn cung được kỳ vọng sẽ khan hiếm nhiều hơn khi các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga có hiệu lực vào ngày 05/12.
Nhóm các nước G7 sẽ áp trần giá đối với dầu Nga để hạn chế doanh thu xuất khẩu dầu của Nga sau cuộc xung đột Nga – Ukraine vào tháng 02/2022, và có kế hoạch thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng dầu vẫn có thể chảy đến các quốc gia mới nổi.
Trong thông tin tiêu cực đối với thị trường, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể giảm lần đầu tiên trong 2 thập kỷ vào năm nay, khi chính sách zero Covid-19 của Bắc Kinh giữ người dân ở trong nhà trong các kỳ nghĩ và làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất nhiều hơn để đối phó lạm phát, điều này có thể thúc đẩy đồng USD so với các đồng tiền khác và làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư.
An Trần (theo CNBC)